Vào đầu tháng 2, khi He Ximing (52 tuổi) thấy khó thở, bác sĩ nói rằng ông không nhiễm virus Corona chủng mới. Nhưng tình trạng của He Ximing khiến giới chức địa phương lo lắng và quyết định chuyển ông đến địa điểm cách ly tập trung.
Qua 3 lần xét nghiệm, He Ximing đều nhận được kết quả âm tính. Nhưng He Ximing vẫn nghi ngờ bản thân mắc COVID-19. Đến cuối tháng 3, ông đến bệnh viện xét nghiệm thêm, bao gồm cả kiểm tra kháng thể với SARS-CoV-2. Lần này kết quả của ông là dương tính.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời ông He Ximing nói: “Tôi không thể ngờ được. Khi đó tôi thấy như đang chết dần. Bạn không thể tưởng tượng nổi cảm giác đó”. Kết quả xét nghiệm có kháng thể với SARS-CoV-2 chứng tỏ cơ thể ông từng phải chiến đấu với virus này.
Trường hợp của ông He Ximing không phải là duy nhất ở Trung Quốc, điều này dấy lên lo ngại về độ chính xác của xét nghiệm COVID-19, ngay cả khi chính quyền địa phương đẩy mạnh xét nghiệm để xử lý dịch bệnh.
Xét nghiệm không đáng tin cậy có thể tác động xấu đến công cuộc ngăn chặn virus lây lan cũng như việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Xét nghiệm nucleic acid là phương pháp chính được áp dụng để nhận biết người mắc COVID-19. Mẫu xét nghiệm được lấy từ cổ họng hoặc cơ quan hô hấp của người bệnh để phát hiện virus. Phương pháp này khó thực hiện do vậy các chuyên gia đánh giá có thể xảy ra sai lầm.
Ông Andrew Preston tại Đại học Bath (Anh) đánh giá: “Cần phải nhận ra hạn chế của xét nghiệm này và tiến hành xét nghiệm thường xuyên nếu chúng ta muốn đảm bảo trường hợp đó thực sự âm tính”.
Chưa có thống kê về tỷ lệ sai sót của xét nghiệm nucleic acid. Các bác sĩ Trung Quốc trong tháng 2 đã khảo sát về xét nghiệm với 213 bệnh nhân và nhận thấy tỉ lệ âm tính sai là khoảng 30%. Truyền thông cũng nhiều lần đưa tin về những trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng sau đó lại nhận kết quả dương tính.
Vào tháng 2, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin một phụ nữ gặp vấn đề về phổi nhận kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính với SARS-CoV-2 nhưng đến lần xét nghiệm thứ 5 thì kết quả thu được là dương tính.
Giới chức tại Vũ Hán đã tiến hành xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 đối với người dân địa phương. Trung Quốc còn thực hiện khảo sát dịch tễ học tại 9 khu vực nhằm xem xét quy mô nhiễm virus không có triệu chứng cũng như mức độ miễn dịch.
Theo cơ quan chức năng Vũ Hán, dịch bệnh bùng phát trong khoảng thời gian từ giữa ngày 12/12 – 29/12, trong đó có nhiều bệnh nhân làm việc tại một chợ hải sản trong thành phố. Từ giữa tháng 1, thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân đã phong tỏa để tránh tình trạng lây lan COVID-19. Sau hơn 2 tháng, thành phố này bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa.
Ngày 11/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là 'đại dịch'.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 2.710.294 trường hợp, trong đó có 190.110 người tử vong.
Đến nay, đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các nước cũng ghi nhận 743.567 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi còn 58.675 người trong tình trạng nguy kịch và 1.776.617 đang phải điều trị tích cực.