Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 59.8 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.087 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.909 người dân trong khu vực, tăng 26 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khối ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 16.114 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 486 ca; Indonesia ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 18 trường hợp. Tốc độ lây lan nhìn chung đã giảm đi ở nhóm các quốc gia chưa kiểm soát được dịch, trong khi nhóm 6 quốc gia còn lại gồm Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào, Timor Leste tiếp tục chuỗi ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca COVID-19 nào.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 11/5
Quốc gia |
Tổng ca nhiễm |
Ca nhiễm mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca hồi phục |
Singapore |
28.822 |
+486 |
20 |
0 |
2.721 |
Indonesia |
14.265 |
+233 |
991 |
18 |
2.881 |
Philippines |
11.086 |
+292 |
726 |
7 |
1.999 |
Malaysia |
6.726 |
+70 |
109 |
1 |
5.113 |
Thái Lan |
3.015 |
+6 |
56 |
0 |
2.796 |
Việt Nam |
288 |
0 |
0 |
0 |
249 |
Myanmar |
180 |
0 |
6 |
0 |
72 |
Brunei |
141 |
0 |
1 |
0 |
134 |
Campuchia |
122 |
0 |
0 |
0 |
120 |
Timor Leste |
24 |
0 |
0 |
0 |
21 |
Lào |
19 |
0 |
0 |
0 |
13 |
Bộ Y tế Singapore (MOH) ngày 11/5 thông báo nước này ghi nhận 486 ca COVID-19 trong ngày, nâng tổng số ca bệnh lên 23.822 trường hợp. Trong các ca nhiễm mới chỉ có 2 người Singapore và một số thường trú nhân, còn lại đều là công nhân nhập cư.
MOH cho rằng con số ca mắc bệnh mới giảm mạnh trong ngày 11/5 một phần là do số ca xét nghiệm được xử lý giảm đi trong thời gian một phòng thí nghiệm tiến hành hiệu chỉnh lại thiết bị. Trước đó, hôm 10/5, MOH thông báo rằng 33 trường hợp có kết quả dương tính được xác định tại phòng thí nghiệm này là kết quả sai, do vấn đề hiệu chuẩn thiết bị cho một loại dụng cụ xét nghiệm. Xét nghiệm lại tiến hành sau đó tại Phòng Thí nghiệm Y tế Công cộng Quốc gia đã xác nhận rằng các trường hợp này kết quả là âm tính.
Tại Indonesia, nước này trong ngày 11/5 thông báo 233 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 14.265 người. Với 991 trường hợp tử vong, quốc gia vạn đảo là thành viên ASEAN có số bệnh nhân thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 cao nhất.
Tổng thống Joko Widodo ngày 11/5 đã nhấn mạnh ba trọng tâm nhằm xử lý đại dịch COVID-19, bao gồm xét nghiệm, tiếp nhận lao động ở nước ngoài về nước và đẩy nhanh sản xuất các thiết bị y tế và thuốc chống COVID-19. Ông Widodo yêu cầu đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) khi các phòng xét nghiệm trên khắp cả nước hiện chỉ có khả năng xử lý 4.000 - 5.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 10.000 mẫu.
Tổng thống Widodo cũng yêu cầu Lực lượng Chuyên trách chống COVID-19 tối ưu hóa hệ thống xét nghiệm khi hiện chỉ có 53 trong tổng số 104 cơ sở được cấp phép trên cả nước tham gia xét nghiệm PCR, đồng thời đẩy nhanh đào tạo nhân lực, giải quyết tình trạng khan hiếm trang thiết bị vật tư xét nghiệm ngay trong tuần này.
Nhà lãnh đạo Indonesia yêu cầu các bộ/ngành và địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng và huy động các nguồn lực để đón 34.000 lao động ở nước ngoài chuẩn bị về nước trong tháng này và tháng sau, trong đó có việc thực hiện các quy trình y tế nghiêm ngặt và đảm bảo các cơ sở cách ly, chữa trị.
Bên cạnh đó, Tổng thống Widodo cho hay các đơn vị thuộc Bộ Nghiên cứu và công nghệ, Bộ Giáo dục và văn hóa đã phát triển thành công và có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR, máy thở và phòng xét nghiệm di động đạt chuẩn an toàn sinh học cấp độ II (BSL-2), nhằm giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu.
Trong khi đó, Hạ viện Indonesia cùng ngày yêu cầu các trường học đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường vào tháng 7/2020. Các trường phải xây dựng một kế hoạch rất cẩn thận từ việc vệ sinh trường lớp đến áp dụng các quy định về y tế tại chỗ.
Tại Thái Lan, chính phủ sẽ sớm cho ra mắt một ứng dụng truy dấu tiếp xúc nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 và thường xuyên tổ chức xét nghiệm trong 6 nhóm nguy cơ trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống nghiêm ngặt được áp dụng thời gian qua. Cách tiếp cận mới của Thái Lan đã chuyển mục tiêu từ nhằm vào địa điểm sang xét nghiệm các nhóm nguy cơ cao.
Xét nghiệm thường xuyên sẽ nhằm vào 6 nhóm gồm nhân viên y tế; những người bị nghi nhiễm mới hoặc đang trong tình trạng cách ly; những người điều khiển phương tiện giao thông công cộng; những người giao hàng; lao động di cư; và những người làm việc trong các quán rượu hoặc những địa điểm giải trí.
Thái Lan bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5 nhưng Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5. Giai đoạn 2 của tiến trình gồm 4 giai đoạn này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca mắc COVID-19 mới không tăng.
Trong ngày 11/5, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số các bệnh nhân COVID-19 lên 3.015 người. Tất cả các ca nhiễm mới đều ở các tỉnh miền Nam Thái Lan, trong đó có 4 trường hợp trên đảo du lịch Phuket. Không có thêm trường hợp tử vong nào do COVID-19 được ghi nhận ở Thái Lan trong ngày 11/5. Cho đến nay, Thái Lan đã điều trị thành công cho 2.796 bệnh nhân COVID-19, nhưng cũng có 56 người tử vong.
Cùng ngày, Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết đang chuẩn bị một hệ thống giảng dạy trên truyền hình và trực tuyến để đề phòng trường hợp việc giảng dạy trên lớp không đủ an toàn khi bắt đầu khai giảng năm học mới vào ngày 1/7 tới. Các trường học và cơ sở giáo dục trực thuộc bộ sẽ bắt đầu học kỳ 1 của năm học mới từ ngày 1/7 đến 13/11 tới. Học kỳ 2 sẽ bắt đầu từ 1/12/2020 đến 10/4/2021. Do năm học 2020-2021 bị lùi lại nên học sinh chỉ có 37 ngày nghỉ Hè và sau đó sẽ bắt bắt đầu năm học 2021-2022 từ ngày 16/5/2021.
Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục Thái Lan sẽ thử nghiệm hệ thống dạy và học từ xa vào ngày 18/5 để chuẩn bị cho năm học mới.
Tại Malaysia, nhà chức trách ngày 11/5 đã bắt giữ hàng trăm lao động nước ngoài trong một cuộc đột kích vào khu chợ bán buôn Kuala Lumpur Wholesale Market. Cuộc bắt giữ nằm trong những biện pháp của chính phủ nhằm ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng lao động nhập cư. Malaysia có khoảng 2,2 triệu lao động nhập cư nước ngoài có đăng ký và ước tính 3 triệu người làm việc không có giấy tờ hợp pháp.
Tới hết ngày 11/5, Malaysia ghi nhận 6.726 ca mắc COVID-19, trong đó có 109 ca tử vong.
Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo trong ngày 11/5 nước này xác định 292 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh đến nay là 11.086, trong đó có 726 ca tử vong. Cùng ngày có 75 bệnh nhân ra viện, nâng tổng số người hồi phục lên 1.999 trường hợp.
Trong số các ca mắc COVID-19 mới có tới 162 người sống tại Vùng thủ đô Manila, 74 người tại tỉnh Trung Visyas và 56 người ở các khu vực khác. Vùng thủ đô Manila và một số khu vực trên đảo Luzon đã bước sang tuần thứ 9 bị phong toả. Lần gần đây nhất Tổng thống Duterte gia hạn lệnh phong toả tại khu vực này là từ 30/4 đến ngày 15/5.