Tòa hiến pháp Tây Ban Nha đình chỉ tuyên bố độc lập của Catalonia

Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ngày 31/10 đã đình chỉ tuyên bố độc lập được nghị viện vùng Catalonia đưa ra ngày 28/10 vừa qua.

Người dân tuần hành đòi độc lập bên ngoài Tòa án Hiến pháp ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 6/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nguồn tin tòa án, Tòa án Hiến pháp chỉ đình chỉ tạm thời tuyên bố độc lập trong khi xem xét kháng cáo của Chính phủ Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, Tòa án Hiến pháp cũng yêu cầu cựu Chủ tịch hội đồng lập pháp Catalunya Carme Forcadell cùng 5 nghị sĩ cao cấp khác của vùng ra điều trần trong ngày 2 và 3/11 tới.

Trước đó, ngày 30/10, công tố viên nhà nước Tây Ban Nha đã đề nghị kết tội "nổi loạn" và "kích động nổi loạn" đối với giới lãnh đạo Catalonia trong đó có bà Forcadell.

Cũng trong ngày 31/10, lực lượng cảnh sát dân phòng Tây Ban Nha đã lục soát sở chỉ huy của lực lượng cảnh sát Catalonia (còn được gọi là Mossos d'Esquadra) trong cuộc điều tra tập trung vào cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập hôm 1/10 vừa qua. Hiện cảnh sát đang lục soát trụ sở ở Sabadell và 5 văn phòng khác ở vùng này.

Mossos d'Esquadra được giao nhiệm vụ ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân vốn bị Tòa án Hiến pháp tuyên bố trái phép. Tuy nhiên, các quan chức cao cấp của Mossos d'Esquadra đã ra lệnh không sử dụng vũ lực và các nhân viên tránh đụng độ với các nhà hoạt động bảo vệ các điểm bỏ phiếu. Cuối cùng, lực lượng cảnh sát quốc gia đã phải can thiệp, thu giữ các hòm bỏ phiếu.

Cựu Thủ hiến Puidgemont kêu gọi các bên tránh bạo lực

Trong khi đó, cựu Thủ hiến Catalonia Puidgemont đã kêu gọi các bên tránh gây bạo lực, đồng thời nhấn mạnh đối thoại là ưu tiên hàng đầu.


Trong bài phát biểu đầu tiên khi ở Brussels (Bỉ), ông Puigdemont cho rằng tiến trình độc lập của Catalonia cần phải "chậm lại" nhằm tránh xảy ra bất ổn, đồng thời tuyên bố chấp nhận "thách thức" trong cuộc bầu cử địa phương trước thời hạn do chính quyền trung ương kêu gọi tổ chức vào ngày 21/12 tới cũng như sẽ tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử này.

Bên cạnh đó, cựu Thủ hiến Catalonia cũng khẳng định không tìm kiếm quy chế tị nạn tại Bỉ, song không cho biết thời gian ở lại nước này.
 
TTXVN/Báo Tin Tức
Cuộc khủng hoảng Catalonia liệu đã tới hồi kết?
Cuộc khủng hoảng Catalonia liệu đã tới hồi kết?

Cuối cùng chính quyền trung ương Tây Ban Nha đã thực hiện các bước đi cần thiết để nắm quyền kiểm soát trực tiếp vùng lãnh thổ Catalonia chiểu theo Điều 155 của Hiến pháp, ngay sau khi Hội đồng lập pháp Catalonia vượt qua “giới hạn đỏ”, bỏ phiếu ủng hộ vùng lãnh thổ này đơn phương tuyên bố độc lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN