Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng ở Trại David, bang Maryland, về khả năng nói chuyện với ông Kim qua điện thoại, Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Tôi luôn tin vào đàm phán". Ông cũng khẳng định "hoàn toàn không có vấn đề gì với chuyện đó", nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ đối thoại vô điều kiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). Ảnh: THX/TTXVN |
Tuyên bố trên của ông Trump hoàn toàn khác với các phát biểu thường khá khiêu khích của ông về Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người mà trong năm 2017 ông đã có một cuộc "khẩu chiến" từng làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến tranh hạt nhân khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Trong bối cảnh hai miền Triều Tiên vừa nhất trí tiến hành cuộc đàm phán chính thức đầu tiên trong hơn 2 năm qua, ông Trump cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ thảo luận nhiều vấn đề hơn, ngoài việc chuẩn bị cho đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang vào tháng 2 tới. Ông cũng cho biết Mỹ sẽ có thể tham gia "vào thời điểm thích hợp". Ông nói: "Nếu các cuộc đàm phán đạt một kết quả nào đó, thì sẽ tốt cho toàn nhân loại".
Trong thông điệp Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chúc Thế vận hội PyeongChang 2018 thành công và cho biết sẽ cân nhắc cử một phái đoàn đến tham gia. Đây được xem là một thiện chí xích lại gần hơn với Hàn Quốc sau một thời gian căng thẳng cao độ. Hai miền Triều Tiên sau đó đã nhất trí tiến hành đàm phán vào ngày 9/1 tới.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Seoul đã đề xuất cử một phái đoàn gồm 5 người do một bộ trưởng dẫn đầu tới làng đình chiến Panmunjeom để thảo luận. Hàn Quốc hy vọng việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội tới sẽ giúp làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng giữa hai miền.
Trước đó, Trung Quốc và Nga hoan nghênh đối thoại giữa hai miền Triều Tiên và kêu gọi các bên nắm bắt tín hiệu tích cực trên Bán đảo Triều Tiên nhằm đưa tình hình quay trở lại đúng hướng là tìm kiếm hướng giải quyết hòa bình thông qua đối thoại.