Phát biểu trước báo giới ngày 26/8, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ thị xử lý nghiêm cuộc đình công theo "đúng quy định của pháp luật" song song với nỗ lực tiếp tục thuyết phục người biểu tình quay trở lại làm việc. Ông Moon Jae-in đã yêu cầu chính phủ đảm bảo điều hành hiệu quả hệ thống chăm sóc y tế khẩn cấp, không để phát sinh "lỗ hổng y tế".
Nhằm tăng cường nỗ lực ứng phó khẩn cấp trước vấn đề trên, Chánh Văn phòng chính sách Kim Sang-jo sẽ trực tiếp xử lý các vấn đề y tế quan trọng, bao gồm cuộc đình công của giới bác sĩ. Ngoài ra, Tổng thống Moon Jae-in cũng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc Tổng Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) từ chối nộp danh sách người tham gia biểu tình ngày 15/8 vừa qua tại trung tâm thủ đô Seoul. Ông nhấn mạnh "không có ngoại lệ trong nỗ lực kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng và an toàn của người dân".
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp khẩn của chính phủ, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cũng cảnh báo sẽ áp dụng hình phạt "cao nhất" theo quy định của pháp luật đối với các bác sĩ tham gia đình công bất hợp pháp nếu họ không chấp hành lệnh yêu cầu quay trở lại làm việc.
Chỉ thị của Tổng thống Moon Jae-in và lời cảnh báo của Thủ tướng Chung Sye-kyun được đưa ra sau khi các thành viên của Hiệp hội Y học Hàn Quốc (KMA) tiến hành đình công vào sáng cùng ngày để phản đối kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc nâng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y và một số biện pháp cải tổ y tế khác nhằm cải thiện dịch vụ y tế công cộng. Cuộc đình công có sự tham gia của các bác sĩ, bao gồm cả bác sĩ thực tập và nội trú ở các bệnh viên đa khoa và bác sĩ tại bệnh viện quy mô nhỏ ở các khu dân cư sẽ kéo dài 3 ngày. Đây là cuộc đình công thứ hai do KMA, gồm khoảng 130.000 thành viên, tổ chức.
Cuộc đình công đang làm gián đoạn hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tại các bệnh viện lớn ở thủ đô Seoul trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng. Không kể các bác sĩ làm việc cho những bệnh viện lớn, sự tham gia đình công của cơ sở y tế nhỏ cũng làm ảnh hưởng đến dịch vụ chăm sóc y tế nước này.
Trong chương trình cải tổ được đề ra, Bộ Y tế Hàn Quốc có kế hoạch nâng hạn ngạch tuyển sinh cho các trường y thêm 4.000 chỉ tiêu trong 10 năm tới kể từ năm 2022, và cũng mở thêm các trường y tế công nhằm mở rộng tầm bao phủ các dịch vụ chăm sóc y tế trong cả nước. Theo kế hoạch, các trường y sẽ phải tiếp nhận số lượng sinh viên từ 3.058 hiện nay lên 3.458 trong giai đoạn 2022-2031.