Trong dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 2/10, ngoài tuyên bố trên, Tổng thống Trump còn bày tỏ tin tưởng với Hiệp định USMCA, Mỹ, Mexico và Canada sẽ có thể mở rộng các thị trường và đối tác của mình một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo phóng viên TTXVN tại Mexico, thỏa thuận trên đã khép lại cánh cửa vào thị trường Bắc Mỹ đối với Trung Quốc, bởi trong đó có điều khoản cấm các quốc gia thành viên thực hiện bất kỳ một thỏa thuận thương mại nào với những nước chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, có trợ cấp nhà nước đối với doanh nghiệp hoặc gây rủi ro đối với chuỗi sản xuất Bắc Mỹ, như Trung Quốc và thậm chí cả Venezuela.
Cụ thể, Điều 10 của Chương 32 trong USMCA quy định một quốc gia thành viên nỗ lực thực hiện hiệp định thương mại với một nền kinh tế phi thị trường sẽ bị loại khỏi hiệp định và USMCA sẽ trở thành hiệp định song phương.
Trước đó, sáng 1/10 (giờ Việt Nam), sau khi kết thúc cuộc đàm phán giữa Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, hai bên xác nhận đã đạt được thỏa thuận về một "thỏa thuận thương mại mới và hiện đại" nhằm thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994. Hai quan chức đã ra tuyên bố chung ca ngợi USMCA sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho tầng lớp trung lưu, tạo nhiều việc làm tốt với mức lương cao, cũng như tạo nhiều cơ hội mới cho gần nửa tỷ cư dân sinh sống tại khu vực Bắc Mỹ, nơi có tổng kim ngạch thương mại lên tới 1.000 tỷ USD/năm.
Giới chuyên gia nhận định cả Mỹ, Mexico và Canada đều có những nhượng bộ nhất định để đi đến thỏa thuận cùng thắng bảo vệ được lợi ích của người dân mỗi nước. Tuy nhiên, Mỹ mới là nước giành được thắng lợi lớn nhất. Dự kiến, USMCA sẽ được trình lên cơ quan lập pháp của các quốc gia để xem xét thông qua và ký trước ngày 29/11 tới.