Trước đó, ông Putin cũng cam kết sẽ không triển khai các tên lửa bị cấm trong INF nếu như Washington không khơi mào trước.
Đài Sputnik đưa tin Tổng thống Nga nhấn mạnh Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc để triển khai các tên lửa bị cấm trong INF và điều đó có thể là mối đe dọa đối với Nga.
“Như chúng tôi được biết việc triển khai tên lửa sẽ được tiến hành với các cớ đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên, song điều này cũng gây ra rắc rối đáng kể đối với Nga. Các hệ thống tên lửa đó có thể vươn tới một phần lãnh thổ Nga. Để tôi nhắc các bạn, chúng ta có hai căn cứ quân sự quan trọng trong khu vực đó”, Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) ở vùng Viễn Đông của Nga ngày 5/9.
Ông chủ Điện Kremlin còn cho rằng Nga hoàn toàn đúng khi nghi ngờ Mỹ đang tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa tầm trung, vi phạm hiệp ước. Tổng thống Putin còn nhắc tới các bệ phóng MK41 của Mỹ đóng vai trò cơ bản cho hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại châu Âu.
“Người Mỹ luôn nói với chúng tôi rằng MK41 không có năng lực tấn công, và giờ họ lại thử nghiệm tên lửa mới với bệ phóng này. Tôi cho rằng họ tìm cách đánh lừa chúng tôi. Chúng tôi không bị lừa và chúng tôi sẽ phải đáp trả một cách thích đáng”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF. Cùng ngày, Nga cũng thông báo chính thức chấm dứt hiệp ước INF. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Vào ngày 2/8/2019, dựa trên hành động của Mỹ, hiệp ước giữa Liên Xô cũ và Mỹ về việc loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đã chấm dứt".
INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729". Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Ngày 1/2, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ngày 6/2, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một sự đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.