Trong loạt dòng trạng thái đăng trên tài khoản cá nhân Twitter ngày 4/12, Tổng thống Trump bày tỏ thái độ hoan nghênh Bắc Kinh và Washington nối lại đàm phán thương mại song vẫn không quên cảnh báo quốc gia châu Á: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi luôn muốn thỏa thuận này xảy ra, và nó có thể. Nhưng nên nhớ, tôi là Người Đàn ông Thuế quan. Bất kỳ người nào hay quốc gia nào đến cướp bóc của cải của đất nước này, tôi muốn họ phải trả giá vì những hành vi đó”.
Mỹ và Trung Quốc trong suốt một năm qua đã mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại, cho đến khi Tổng thống Trump cùng người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí “đình chiến” tạm thời và mở lại đối thoại.
Trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), hai quốc gia đã công bố một số cam kết chưa rõ ràng và cho nhau giới hạn 90 ngày để thử đàm phán đạt được một thỏa thuận thương mại. Trong thời gian này. họ sẽ cố gắng vượt qua những khác biệt bao gồm "chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào thuế quan, tấn công mạng và trộm cắp trên mạng”. Bắc Kinh cũng nhất trí mua "số lượng đáng kể nông sản, sản phẩm năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác” nhằm “giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước".
Trong khoảng thời gian xảy ra chiến tranh thương mại, chính quyền Tổng thống Trump đã áp mức thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và đe dọa áp mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 267 tỷ USD nữa nếu như vòng đàm phán lần này không thành công.
Để trả đũa, Trung Quốc cũng có động thái tương tự áp thuế nhằm vào hàng hóa Mỹ trị giá 110 tỷ USD, trong đó có đậu tương và các nông sản khác. Nhắm tới sản phẩm đậu tương được cho là chiêu tấn công trực tiếp nhằm vào người ủng hộ Tổng thống Trump, do các bang chủ yếu trồng đỗ tương đã bỏ phiếu cho ứng viên Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Với lý do này, Tổng thống Trump rất muốn trấn an nông dân Mỹ rằng đàm phán với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho họ.