Theo phóng viên TTXVN tại London, người đứng đầu LHQ khẳng định các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ phải nhóm họp xem xét kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu vào mỗi năm, thay vì 5 năm 1 lần như hiện nay, nếu hội nghị này kết thúc mà vẫn thiếu đi cam kết thiết thực nhằm hiện thức hóa mục tiêu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Trong 2 ngày Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra các cam kết quốc gia và đề ra những hành động trong nước và quốc tế, nhằm giảm mức phát thải, đồng mở rộng quy mô thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên, đồng thời thảo luận về huy động tài chính khí hậu và các hành động để đạt được các mục tiêu đề ra là giới hạn mức gia tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C và đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050 theo Hiệp định Paris.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động ngay để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu trước khi quá muộn, và thực hiện các bước cụ thể để loại bỏ dần than đá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe chạy điện, ngăn chặn nạn phá rừng, và hỗ trợ tài chính các quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ông nhấn mạnh những hành động này sẽ tạo ra khác biệt lớn trong việc giảm lượng khí thải trong thập kỷ này để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và giới hạn mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris. Theo các nhà khoa học, thế giới phải cắt giảm một nửa lượng khí thải CO2 vào năm 2030 để có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris.
Thủ tướng Johnson cam kết tăng tài chính khí hậu của Anh thêm 1 tỷ bảng (hơn 1,3 tỷ USD) vào năm 2025 nếu nền kinh tế nước này phát triển như dự kiến. Năm 2019, Anh đã tăng gấp đôi cam kết tài chính khí hậu quốc tế lên 11,6 tỷ bảng trong 5 năm và cam kết mới của Thủ tướng Johnson sẽ đưa con số này lên 12,6 tỷ bảng, đưa Anh trở thành nước dẫn đầu thế giới trong tài trợ khí hậu.
Diễn ra từ ngày 31/10 - 12/11, Hội nghị COP26 là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định Paris được hơn 195 quốc gia ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015 với cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Là nước chủ nhà COP26, Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên luật hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và mới đây đã công bố Chiến lược trung hòa khí thải vào năm 2050. Nước này đặt mục tiêu giảm % lượng phát thải vào năm 2030, là mục tiêu cao nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cam kết chấm dứt điện than vào năm 2024 và ngừng bán ô tô mới chạy bằng xăng và dầu vào năm 2030.