Chỉ cần chiếm giữ một khu vực có đường ranh giới dài khoảng 25 km nữa là Nga hoàn tất bao vây toàn bộ lực lượng kháng cự của Ukraine ở vùng Donbass – địa bàn Nga coi là trọng tâm trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhiều ngày qua, Nga đã pháo kích cấp tập vào các vị trí phòng thủ của Ukraine quanh thành phố Severodonetsk – nơi mà giới lãnh đạo quân sự Ukraine cho rằng đang diễn ra những trận đánh ác liệt nhất, ví như một “Mariupol mới”.
Nếu quân đội Nga và lực lượng thân Nga thành công trong việc chia cắt, bao vây lực lượng Ukraine đóng tại Severodonetsk, đó có thể coi là thành công thứ hai của Nga về phong tỏa quân sự, sau khi đã làm chủ thành phố cảng Mariupol. Đó cũng là chiến thắng mang tính biểu tượng đối với Moskva, giúp Nga kiểm soát toàn bộ tỉnh Luhansk, một bước tiến quan trọng của Nga ở Donbass.
Tuy nhiên, Severodonetsk cũng là một khu vực nhỏ hẹp. Giới quan chức và giới phân tích phương Tây nhận định trận chiến giành giật khu vực này sẽ tiếp tục kéo dài qua mùa hè. Đó sẽ là cuộc chiến tiêu hao ác liệt mà ở đó quy mô lực lượng, mức độ trang bị vũ khí quân sự của từng bên sẽ là nhân tố quyết định cục diện.
Lực lượng Nga trong tuần này cũng chiếm được thị trấn công nghiệp Svitlodarsk ở tỉnh Donetsk, miền nam Donbass. Chỉ huy trưởng quân sự Svitlodarsk, ông Serhiy Hoshko, thừa nhận Nga đã kéo cờ Nga tại Văn phòng Thị trưởng thành phố Svitlodarsk, tiến hành các đợt tuần tra, kiểm soát giấy tờ đối với cư dân địa phương. Lực lượng thân Nga cũng tuyên bố đang tiến hành rà soát lại lực lượng quân sự Ukraine ở thành phố này.
Theo Samuel Cranny-Evans, chuyên gia phân tích quân sự tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), không có chuyện lực lượng Nga rơi vào tình cảnh rệu rã. Binh sĩ Nga vẫn chiến đấu, vẫn duy trì được đà tiến và gây ra những tổn thất đối với quân đội Ukraine.
Cranny-Evans nhận định mức tổn thất này có thể khá lớn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận trung bình mỗi ngày có từ 50-100 binh sĩ nước này thiệt mạng. Thông thường, con số bị thương trên chiến trường cao hơn gấp ba lần con số tử vong. Vì thế, tổn thất binh lực này có thể lên đến 1.000 binh sỹ/ba ngày.
Tuy nhiên, với việc ghìm chân lực lượng Nga thay vì tháo lui, lực lượng Ukraine đang tìm cách kéo dài thời gian giao chiến, để quân đội nước này có điều kiện tiếp nhận thêm vũ khí viện trợ, chuyển giao từ phương Tây, nhất là pháo tầm xa đủ sức pháo kích vào các vị trí đóng quân của Nga ngay sát giới tuyến.
“Bằng cách tiếp tục chiến đấu, quân Ukraine hiện vẫn bảo đảm chức năng quân sự quan trọng. Mục tiêu chính là tiêu hao sức mạnh chiến đấu của Nga, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang Ukraine có thêm thời gian nâng cao bố phòng quân sự tại những điểm khác”, một quan chức phương Tây bình luận.
Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 90 lựu pháo tầm xa M-777. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng hơn 10 khẩu được điều tới khu vực giới tuyến ở Donbass. Binh sỹ Ukraine vẫn đang trong giai đoạn huấn luyện kỹ năng sử dụng. Tổng thống Zelensky thừa nhận lượng vũ khí của Nga áp đảo Ukraine, với tỷ lệ 20/1.
Cùng lúc, mức độ thương vong đối với quân đội Nga cũng giảm. Theo số liệu Ukraine công bố, có 23.000 binh sĩ Nga thiệt mạng trong hai tháng đầu giao tranh. Nhưng sang tháng thứ ba, con số này giảm chỉ còn 6.000 binh sĩ. Thực tế này cho thấy Nga đã lựa chọn chiến thuật tránh đối đầu trực tiếp, thiên về sử dụng đòn tấn công pháo binh và tên lửa.
Đơn cử, với việc kiểm soát khu vực đồi núi quanh thành phố Popsana, pháo binh Nga đủ sức uy hiếp, khống chế toàn bộ khu vực quanh Severodonetsk. Ngoài ra, Nga được cho là đã triển khai khoảng 10 xe thiết giáp BMP-T “Kẻ hủy diệt” tới Severodonetsk. Đây là hệ thống vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh, chuyên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ xe tăng, giảm thiểu nguy cơ tổn thất đối với xe tăng và bộ binh cơ giới.
Tuy nhiên, quân đội Nga cũng gặp phải những vấn đề về nhân lực và trang bị. Theo phía Ukraine, Moskva mới đây đã phải điều xe tăng đời cũ T-62 trong kho cất để bổ sung, thay thế cho số xe tăng bị phía Ukraine tiêu diệt trong các đợt giao tranh. Nga cũng đã phải tổ chức lại nhiều nhóm tác chiến chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG), sau khi nhiều BTG gặp tổn thất về lực lượng.
Giới phân tích nhận định Nga có thể gặp khó khăn trong duy trì đà tiến. Nhưng giới chức Ukraine và phương Tây cảnh báo Kiev cũng thiếu vũ khí hạng nặng đủ sức phản công hiệu quả trước Nga. Hệ quả là chiến sự còn nhùng nhằng, hai bên có thể rơi vào tình thế "cài răng lược", không bên nào có được uy thế áp đảo tuyệt đối trên chiến trường.