"Thử thách Corona" bao gồm những hoạt động tại nhà lành mạnh, giúp giảm căng thẳng hiệu quả thay vì ra ngoài tụ tập ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Một trong những trào lưu mới nổi gần đây là thử thách pha chế cà phê Dalgona.
Vào giữa tháng 2, YouTuber Ddulgi đã chia sẻ một đoạn video dài khoảng 4 phút hướng dẫn cách pha cà phê Dalgona trên nền tảng chia sẻ video toàn cầu. Sau đó, cô không ngờ rằng video sẽ biến thành một trào lưu mới thu hút hơn 3 triệu lượt xem trong vòng chưa đầy 1 tháng.
“Tôi chưa từng có trải nghiệm như vậy. Số lượt xem bắt đầu tăng vọt khoảng 600.000 mỗi ngày vào cuối tháng 2. Chủ yếu là người Hàn Quốc, nhưng số người xem đến từ Mỹ cũng đang gia tăng trong tháng này", tài khoản YouTuber Ddulgi, hiện có khoảng 196.000 người đăng ký, cho biết.
Không dễ dàng để pha được một tách cà phê Dalgona đúng kỹ thuật. Đây là một loại thức uống được pha chế từ sữa và kẹo bơ cứng thủ công, đòi hỏi người pha chế phải khuấy hỗn hợp cà phê hòa tan, đường và nước nóng bằng tay hơn 400 lần.
Dù đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn đến vậy, nhưng trên các phương tiện truyền thông xã hội, có rất nhiều hình ảnh được tải lên bởi những người tham gia thử thách này, bao gồm cả những công dân bình thường đến những ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc. Đến ngày 25/3, đã có hơn 93.000 bài đăng trên Instagram kèm hashtag #dalgonacoffee bằng tiếng Hàn.
“Người Hàn Quốc đang phải hạn chế ra ngoài và chúng tôi sẽ nấu bất kỳ thứ gì. Tôi đoán là người Hàn Quốc không thể sống mà không có việc để làm”, ông Park, một người tham gia thử thách nói trong video.
Mặc dù các chuyên gia cảnh báo không nên dành quá nhiều thời gian cho truyền thông xã hội và tiếp xúc với tin tức liên quan đến dịch bệnh, Moon Jeong-gyeong, 28 tuổi, một nhà tiếp thị du lịch, cho biết thử thách pha cà phê Dalgona đã giúp cô bớt buồn chán sau 1 tuần ở nhà vì virus SARS-CoV-2.
“Tôi ở nhà và dành nhiều thời gian lướt Instagram hơn. Vì vậy, sau khi vô tình nhìn thấy những bức ảnh về cà phê Dalgona tràn ngập trên mạng xã hội, tôi nghĩ mình cũng nên thử. Ít nhất, tôi không phải nghĩ về những tin tức tồi tệ và cảm thấy mình đã làm được điều gì đó rất thú vị. Làm phim về nó và chia sẻ với bạn bè cũng là một phần của niềm vui”, cô Moon nói.
Bên cạnh thử thách pha cà phê, giới trẻ Hàn Quốc cũng tự tạo ra nhiều hoạt động khác trên các phương tiện truyền thông, như thử thách đánh trứng 1.000 lần hay ăn một quả chanh.
Giáo sư You Myoung-Soon tại Trường Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Seoul, cho biết xu hướng này dường như là một phần trong nỗ lực của mọi người nhằm tạo ra sự gắn kết và vượt qua nỗi cô đơn.
“Hàn Quốc đã từng đối phó với các bệnh truyền nhiễm khác như dịch MERS năm 2015, nhưng tình hình bây giờ hoàn toàn khác. MERS chủ yếu lây truyền trong các bệnh viện, còn các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đang lây lan ở khắp mọi nơi. Dịch bệnh này phổ biến hơn nhiều, sự lo lắng và sợ hãi mà mọi người đang trải qua cũng lớn hơn”, Giáo sư You cho biết.
Theo hãng thông tấn Yonhap, kể từ khi Hàn Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 vào giữa tháng 1, tính đến ngày 27/3, số ca nhiễm bệnh ở nước này đã tăng lên 9.332 với 139 trường hợp tử vong. Tuy số ca nhiễm mới gần đây đã có dấu hiệu tặng chậm lại, nhưng Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng báo động do các ổ dịch đơn lẻ và các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài đến nước này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền Hàn Quốc đã kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc, thực hành “giãn cách xã hội” và khuyến khích người lao động làm việc từ xa để ngăn chặn virus lây lan. Các cơ sở tôn giáo, trung tâm thể thao và giải trí trong nhà cũng phải ngừng hoạt động sau khi chính phủ ban bố lệnh cấm tụ họp đông người và tuân thủ các hướng dẫn về hoạt động kinh doanh trong đại dịch.
Dịch bệnh đã làm gián đoạn cuộc sống của nhiều người dân Hàn Quốc trong nhiều tháng, các chuyên gia y tế cho rằng bên cạnh việc đối phó với COVID-19, cần phải chú trọng nhiều hơn đến những ảnh hưởng tâm lý mà dịch bệnh có thể gây ra đối với người dân, dù họ có bị mắc bệnh hay không.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng mọi người cần giữ “khoảng cách vật lý” với nhau không có nghĩa là “chúng ta phải ngừng gắn kết với những người thân yêu”.
“Công nghệ hiện đại đã phát triển đến mức chúng ta có thể kết nối với nhau theo nhiều cách mà không ở cùng một phòng hoặc một không gian”, bà Van Kerkhove nói.
Sau nhiều tuần vận động “giãn cách xã hội” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, truyền thông Liên hợp quốc hiện đang sử dụng một cụm từ mới, đó là kêu gọi mọi người hãy thực hành “khoảng cách vật lý” để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Thông qua Internet và các loại phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, mọi người hãy duy trì sự gắn kết vì sức khỏe tinh thần của bạn cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của bạn”, Tiến sĩ Van Kerkhove chia sẻ.