Tổ chức YMCA ở Hong Kong (Trung Quốc) vừa công bố một kết quả khảo sát cho thấy, hơn 80% cha mẹ ở Hong Kong đã đăng thông tin về con cái họ lên mạng xã hội, mặc cho nhiều thanh thiếu niên cảm thấy xấu hổ hoặc tức giận với hành động này của các bậc phụ huynh, trong khi một số khác mong muốn quyền riêng tư của họ được bảo vệ.
Theo đó, 82,6% người lớn được hỏi cho biết họ chia sẻ chi tiết về cuộc sống của con cái trên các trang như Facebook, WeChat và Instagram. Ngoài ra, 31,7% cho biết thêm rằng họ có xu hướng đăng bài trên nhiều nền tảng. Nội dung được đăng thường bao gồm hình ảnh và video cùng với chú thích liên quan đến con mình.
Phoebe See Man-yan, thư ký điều phối của YMCA cho biết: "Hầu hết cha mẹ muốn ghi lại quá trình trưởng thành của con mình và tạo ra những kỷ niệm, đặc biệt trong thời kỳ Covid-19. Hoặc đối với những người có người thân sống ở nước ngoài, họ mong muốn có thể duy trì mối quan hệ và kết nối những người thân yêu phương xa với con cái họ".
Cô nói thêm rằng các bậc cha mẹ cũng có nhu cầu về mặt tâm lý. Người lớn có thể coi thành tích của con cái họ như của chính bản thân hoặc muốn chia sẻ những nỗi thất vọng trong việc nuôi dạy con cái và tìm kiếm sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng điều tra 1.094 học sinh tiểu học và trung học, trong đó cho thấy 43,4% cảm thấy "xấu hổ" trước hành động của cha mẹ, hơn 28% cho biết bản thân "ghét" điều đó và 23,2% bày tỏ "tức giận". Hầu hết thanh thiếu niên (73,6%) bày tỏ rằng điều quan trọng là quyền riêng tư của bản thân phải được bảo vệ.
Bên cạnh đó, 62% thanh thiếu niên cho biết muốn giảm thiểu việc tiếp xúc với internet và 62,9% cho rằng cha mẹ nên xin phép trước khi đăng bất cứ điều gì lên mạng xã hội có liên quan đến chúng.
Về phía phụ huynh, câu trả lời của họ cho thấy 28,5% chưa bao giờ xin phép con trước khi đăng tài liệu về chúng. Hơn 57% thì không tin rằng việc chia sẻ thông tin về con cái trên mạng sẽ khiến con mình cảm thấy tồi tệ, mặc dù 70,7% sẵn sàng hỏi ý kiến con cái trước khi làm vậy.
YMCA lưu ý rằng việc giới trẻ không đồng tình với việc cha mẹ đăng bài về mình trên internet ngày càng tăng khi chúng lớn lên.
Phoebe See nói: “Khi trẻ đến tuổi vị thành niên, chúng cần có sự tin tưởng vào cha mẹ để phát triển khỏe mạnh. Nhưng khi cha mẹ có những hành động quá phô trương, có thể khiến trẻ trở nên thiếu tự tin và lo lắng về quyền riêng tư của mình. Chúng không biết mọi người đã biết bao nhiêu về mình".
"Điều quan trọng là con cái phải xây dựng sự tự tin và tìm kiếm lý tưởng của riêng mình trong thế giới này. Vì vậy, chúng tôi hy vọng các bậc cha mẹ nhận ra rằng con mình cũng có những nhu cầu riêng", cô nói thêm.
Ngoài ra Phoebe See cũng tiết lộ một số học sinh đã báo cáo sau cuộc khảo sát rằng các em đã bị chế giễu hoặc thậm chí bị bắt nạt sau khi các bạn cùng lớp xem bài đăng của cha mẹ mình trên mạng xã hội.
Hermina Ng Wing-hin, cố vấn pháp lý cấp cao tại Văn phòng Ủy viên Quyền riêng tư về Dữ liệu Cá nhân, cho biết "không có nút xóa vĩnh viễn” trên internet.
"Sau khi thông tin cá nhân được công khai trực tuyến, thông tin đó có thể được lưu trữ vĩnh viễn, đăng lại hoặc thậm chí bị một số cá nhân không thiện chí sử dụng sai mục đích. Nó có thể trở thành một công cụ để tội phạm mạng hoặc những kẻ bắt nạt trực tuyến khai thác trái phép, tiết lộ thông tin cá nhân của họ", Hermina Ng cảnh báo.