Trên tài khoản Twitter ngày 27/7, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo "khoảng 95 người di cư vẫn đang lênh đênh trên Địa Trung Hải và có nguy cơ bị đuối nước sau khi cố gắng chạy trốn khỏi Libya". Cơ quan của LHQ không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng nhấn mạnh rằng "các quốc gia và thuyền trưởng có nghĩa vụ đạo đức và pháp lý để hỗ trợ các trường hợp gặp nạn trên biển".
Theo IOM, trong năm ngoái, hơn 100.000 người di cư đã tìm cách vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu. Hành trình nguy hiểm này đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng.
Đến nay, nhiều người di cư vẫn chọn Libya là điểm quá cảnh để vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Trong khi đó, IOM nhiều lần cảnh báo rằng, Libya là điểm đến không an toàn đối với người di cư do tình hình an ninh tại quốc gia Bắc Phi ngày càng xấu đi. Ước tính có hàng chục nghìn người tị nạn và xin tị nạn, cũng như những người di cư từ tiểu vùng Sahara của châu Phi và châu Á, với hy vọng tìm đường đến châu Âu, đã bị mắc kẹt ở Libya. Nhiều người trong số này không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản cũng như không được chăm sóc y tế đầy đủ. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng sau khi lực lượng của quân đội miền Đông (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar tấn công thủ đô Tripoli hồi năm 2019 và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Theo thống kê của LHQ, trong 4 tháng đầu năm nay, số lượng người di cư chạy trốn khỏi Libya bằng đường biển đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Mùa Hè đến cùng với các điều kiện thời tiết thuận lợi trên biển và tình hình an ninh bất ổn tại Libya là những lý do khiến nhiều người di cư mạo hiểm vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu.