Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, hàng loạt quốc gia châu Âu và đồng minh của Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt và đóng cửa không phận với máy bay Nga.
Liên minh châu Âu (EU) đi tiên phong trong việc đóng cửa không phận của khối này với các hãng hàng không Nga, coi đây như một phần trong gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moskva. Mỹ từ cuối tháng 3 cũng chính thức áp lệnh cấm với các máy bay và hãng hàng không Nga bay vào không phận nước này.
Các lệnh cấm về cơ bản đều yêu cầu ngừng hoạt động của tất cả các máy bay có liên quan tới công dân Nga, dưới các hình thức như sở hữu, được chứng nhận, vận hành, đăng ký, cho thuê hoặc kiểm soát. Nhiều lệnh cấm còn khắc nghiệt hơn, khi áp dụng đối với cả các chuyến bay vận chuyển hàng hóa, các chuyến bay theo lịch trình hay thuê bao.
Đáp lại, Cơ quan hàng không dân dụng Nga cũng đóng cửa bầu trời đối với ít nhất 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Máy bay của hàng loạt hãng hàng không châu Âu như của Anh, Đức, Ba Lan, Romania, Bulgaria, Thụy Sĩ và CH Séc… bay đến Nga hoặc bay qua không phận Nga đều bị cấm.
Hoạt động hàng không của Nga, châu Âu và thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề với động thái này. Chi phí vận hành tăng mạnh một phần do phải thay đổi đường bay xa hơn, nhất là trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tăng phi mã do đứt gãy nguồn cung vì các đòn trừng phạt chống dầu mỏ Nga.
Nhiều hãng hàng không thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, trong đó có Hãng hàng không Finnair của Phần Lan. Kể từ khi các lệnh cấm bay được áp dụng, Finnair đã chịu thiệt hại tài chính nặng nề do không thể bay qua không phận của Nga, quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới.
Theo hãng tin RT ngày 26/6, Hãng hàng không Finnair của Phần Lan đã trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc chiến trừng phạt “ăn miếng trả miếng” giữa Nga và phương Tây. Finnair đang phải hứng chịu những thua lỗ tài chính nghiêm trọng do buộc phải bay vòng để tránh không phận Nga.
Báo Helsingin Sanomat (Phần Lan) đưa tin, từ đầu năm 2022, khoản thua lỗ vận hành của Finnair, một trong các hãng hàng không lâu đời nhất thế giới, đã lên tới 133 triệu euro, trong đó 51 triệu euro chi phí gia tăng là phí nhiên liệu.
Kể từ tháng 12/2021, chi phí nhiên liệu của Finnair được cho là đã tăng từ 30% lên 55% tổng chi phí của hãng. Ngoài việc giá nhiên liệu tăng gần gấp đôi, hãng hàng không Phần Lan còn phải đối mặt với nhu cầu thay đổi đường bay.
Kết quả là Finnair đã để mất lợi thế quan trọng so với các nước khác ở khu vực Scandinavi – đó là khoảng cách ngắn nhất đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các thị trường hàng không lớn ở châu Á. Một số chuyến bay đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mang lại cho Finnair tới 50% lợi nhuận, đã bị hủy bỏ. Trước trừng phạt, đường bay đến Nhật Bản mất khoảng 9 giờ bay, nhưng nay mất tới 13 tiếng.
Bên cạnh đó, lượng hành khách đi máy bay của Finnair sụt giảm đáng kể vì không có du khách người Nga, những người chiếm khoảng 20% lưu lượng hành khách của hãng. Trong khi công dân các nước EU cũng cắt giảm chi tiêu đi lại trong bối cảnh bất ổn kinh tế và giá sinh hoạt phí gia tăng.
Nga - thị trường hàng không lớn thứ 11 thế giới – đang chịu áp lực lớn bởi cuộc chiến trừng phạt hiện nay. Các hãng hàng không Nga cũng không thể mua phụ tùng hoặc nhận được dịch vụ bảo dưỡng từ châu Âu hoặc Mỹ. Chính phủ Nga đã phải hỗ trợ các hãng hàng không nội địa hơn 230 triệu USD để bồi thường vé máy bay cho hành khách đi trên các tuyến bay bị hủy.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 tuyên bố chính phủ sẽ cấp 100 tỷ ruble (1,25 tỷ USD) để giúp các hãng hàng không nước này ứng phó với hậu quả từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Nhà lãnh đạo Nga cho biết các chuyến bay nội địa sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ trong năm 2022.