Khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Nam Trung Quốc tại Quảng Châu vào năm ngoái, Liao Haoke không nghĩ nhiều về nơi sẽ đăng ký hộ khẩu thường trú.
Thay vào đó, anh dành phần lớn thời gian cho xây dựng sự nghiệp. Hồi tháng 7, anh được nhận vào làm chuyên viên nhân sự tại một công ty quốc doanh ở Quảng Châu với một mức lương và bảo hiểm ổn định.
“Bạn cùng lớp của tôi cũng không để tâm quá nhiều về vấn đề đăng ký hộ khẩu khi đi tìm việc, vì bây giờ có thể dễ dàng đăng ký ở bất kỳ đâu ngoại trừ Bắc Kinh. Chúng tôi chỉ tập trung vào công việc và lợi ích cá nhân”, Liao cho hay.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chính sách hộ khẩu - vốn được áp dụng để giới hạn lượng người sống và làm việc tại một khu vực - trong những năm gần đây đã trở nên ít cứng nhắc hơn khi các thành phố cạnh tranh để thu hút nhân tài.
Theo cuộc điều tra dân số mới nhất, dân số Trung Quốc đã tăng từ 1,4 tỷ người lên 1,412 tỷ dân vào năm 2020, nhưng tỷ lệ sinh đã giảm 18%. Các số liệu thống kê cũng chỉ ra lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ giảm trong thập kỷ tới và quốc gia đang chứng kiến tốc độ già hóa dân số nhanh.
Những thách thức về nhân khẩu học đã thúc đẩy chính quyền các tỉnh và thành phố nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu.
Ví dụ, bất kỳ sinh viên mới tốt nghiệp nào tại Quảng Châu đều có thể đăng ký cư trú miễn là họ đóng bảo hiểm xã hội. Ngày 9/5, giới chức tại Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) đã công bố một bộ hướng dẫn mới về giới hạn cư trú.
“Những bước đi mới này rõ ràng được đưa ra nhằm thu hút nhân tài ở lại địa phương để hỗ trợ mục tiêu phát triển các doanh nghiệp sản xuất của Hà Nam”, nhà kinh tế Yang Jianguo giải thích.
Hệ thống hộ khẩu được cho là đã phân chia người dân thành hai nhóm xã hội - cư dân thành thị và cư dân nông thôn cũng như hạn chế khả năng di chuyển của người dân.
Trong khi những ai có hộ khẩu thành phố được hưởng các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí thì người ngoại tỉnh lại thường bị từ chối tiếp cận các phúc lợi cơ bản. Vấn đề đã rơi vào mức gần như khủng hoảng vào những năm 1980 khi hàng chục triệu nông dân đổ về các thành phố để làm việc trong các nhà máy thời kỳ bùng nổ.
Cai Fang - Phó Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho biết vào năm 2017, số lao động nhập cư đạt đỉnh với 172 triệu người nhưng tốc độ tăng đã giảm kể từ đó. “Họ không có hộ khẩu ở đô thị và không được hưởng các dịch vụ công cơ bản. Vì vậy, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề như không có lương hưu, bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế và trợ cấp thất nghiệp. Quan trọng hơn, giáo dục cho con cái cũng là một vấn đề không thể giải quyết dễ dàng và kết quả là những người lao động nhập cư trở thành một lực lượng lao động không ổn định. Hộ khẩu đã trở thành một hạn chế đối với quá trình đô thị hóa của Trung Quốc”, chuyên gia Cai Fang chỉ ra.
Vào đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc thông báo trong kế hoạch 5 năm mới, ngoại trừ các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, chính quyền địa phương các tỉnh nên dần loại bỏ các hạn chế đối với những người từ tỉnh khác sang làm việc và đảm bảo đối xử công bằng cho người ngoại tỉnh. Các thành phố có dân số từ 3 triệu đến 5 triệu người nên xem xét việc bãi bỏ hoàn toàn hệ thống này.
Yi Fuxian - một nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison - cho hay trợ cấp tài chính giữa các cấp chính quyền là một yếu tố thương lượng đằng sau cuộc cải cách.
“Mỗi địa phương đều muốn có dân số đông hơn. Hệ thống tài khóa của Trung Quốc khiến nhiều chính quyền địa phương phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ được chuyển từ các cấp chính quyền cao hơn. Dân số ngày càng tăng đồng nghĩa với việc họ nhận được nhiều hỗ trợ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xin phê duyệt xây dựng cơ sở hạ tầng như các dự án đường sắt và đường cao tốc”, nhà khoa học giải thích.