Truyền thông: Israel chuẩn bị tấn công cơ sở hạt nhân của Iran

Ngày 12/12, Theo các nguồn tin từ tờ Times of Israel, lực lượng phòng vệ Israel đang tích cực chuẩn bị cho các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran

Chú thích ảnh
Khói lửa bốc lên sau khi Israel tấn công thủ đô Tehran, Iran rạng sáng 26/10/2024. Ảnh: Jerusalem Post/TTXVN

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh tình hình tại Syria bất ngờ biến động, tạo ra những thay đổi chiến lược trong khu vực.

Trong tuần qua, nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria. Dù chưa củng cố được quyền lực, nhóm này đã gây ra sự hỗn loạn và làm suy yếu vị thế của Tehran, đồng minh thân cận nhất của Syria trong khu vực.

Israel được cho là đã tận dụng sự rối ren này để triển khai một chiến dịch không kích quy mô lớn. Theo đó, không quân Israel đã tấn công hơn 250 mục tiêu quan trọng trên khắp lãnh thổ Syria, bao gồm sân bay, cảng biển, các hệ thống phòng không và kho vũ khí. Các cuộc tấn công được đánh giá là "một trong những chiến dịch lớn nhất lịch sử" của Israel.

Hôm 11/12, máy bay không người lái Israel đã tiến hành một cuộc tấn công vào sân bay Al Mazzeh tại Damascus, nhắm vào các nguồn cung cấp đạn dược. Loạt hành động này đã làm tê liệt phần lớn hệ thống phòng không của Syria, mở đường cho các chiến dịch tiếp theo.

Các quan chức Israel tin rằng biến động tại Syria đã cô lập Iran và đồng minh chính của nước này trong khu vực, lực lượng Hezbollah tại Liban, vốn đã suy yếu sau các cuộc tấn công gần đây của Israel. Điều này, theo đánh giá của Israel, có thể thúc đẩy Tehran tăng tốc chương trình hạt nhân để gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh bất lợi.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ lâu đã cáo buộc Iran theo đuổi mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân, dù Tehran khẳng định chương trình này chỉ phục vụ mục đích dân sự và hòa bình.

Trong quá khứ, Israel đã nhiều lần cân nhắc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, đặc biệt sau vụ phóng tên lửa của Tehran ngày 1/10 vừa qua. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thực hiện do các điều kiện khu vực chưa thuận lợi. Lần này, sự kiện tại Syria được cho là cơ hội hiếm có để triển khai một cuộc tấn công phủ đầu.

Bối cảnh hiện tại càng trở nên căng thẳng khi các thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran không còn được duy trì. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2015 vào năm 2018, các nỗ lực giám sát chương trình hạt nhân của Iran gần như bị đình trệ.

Mới đây, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã cảnh báo rằng các cơ sở hạt nhân của Iran "không nên bị tấn công". Tuy nhiên, Israel dường như đang cân nhắc hành động bất chấp lời kêu gọi từ IAEA, với lập luận rằng sự đe dọa từ Iran là quá lớn để có thể chờ đợi các biện pháp ngoại giao.

Những diễn biến mới đây cho thấy nguy cơ xung đột leo thang tại Trung Đông ngày càng hiện hữu. Nếu Israel thực sự thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, khu vực này có thể đối mặt với một cuộc chiến quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Tình hình hiện nay đang đặt ra bài toán khó khăn cho cộng đồng quốc tế, đòi hỏi sự can thiệp và các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để ngăn chặn nguy cơ bùng phát xung đột. 

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo RT/timesofisrael)
Video ghi lại phản ứng của người dân Tehran sau khi Israel tấn công Iran
Video ghi lại phản ứng của người dân Tehran sau khi Israel tấn công Iran

Sau cuộc không kích của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vào Iran vào sáng 26/10, người dân ở thủ đô Tehran dường như không mấy quan tâm, vẫn tiếp tục công việc hằng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN