Theo báo cáo công bố ngày 30/10, kể từ năm 2014, tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ giảm gần 4 tháng và đây là mức giảm lớn đầu tiên kể từ năm 1993 - thời điểm bùng nổ đại dịch HIV/AIDS tại Mỹ.
Theo tính toán, một người dân Mỹ sinh năm 2017 có thể đạt tuổi thọ trung bình 78,6, giảm nhẹ so với mức tuổi thọ 78,9 tuổi của những người sinh năm 2014.
Các chuyên gia nêu rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do dùng thuốc quá liều, đặc biệt lạm dụng các loại thuốc chứa chất gây nghiện opioid hay fentanyl. Thống kê cho thấy năm ngoái đã có 32.000 người tử vong do dùng thuốc quá liều.
Mỹ xếp thứ 28 về tuổi thọ trung bình trong các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Với tuổi thọ trung bình 84,2 tuổi, người dân Nhật Bản dẫn đầu các nước thành viên tổ chức trên.
Ngoài nguyên nhân dùng thuốc quá liều, các vụ tự tử và tổng số ca tử vong đang gia tăng do bệnh Alzheimer cũng là những yếu tố làm suy giảm tuổi thọ trung bình của Mỹ. Điểm đáng lưu ý là nữ giới có xu hướng sống thọ hơn nam giới tại Mỹ.
Mỹ đang nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau trong những năm trở lại đây, chủ yếu bắt nguồn từ việc kê đơn quá liều đối với thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, kể cả morphine.
Số liệu thống kê cho thấy các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như fentanyl có liên quan đến gần một nửa số ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều hiện nay, tăng từ mức 1/3 chỉ trong vòng 1 năm. Theo CDC, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do sử dụng quá liều thuốc có gốc từ thuốc phiện.
Thuốc giảm đau có chứa opioid được cho là nguy hiểm gấp 50 lần so với heroin. Năm 2017, nước Mỹ đã phải chi 115 tỷ USD để điều trị cho những người nghiện opioid và chăm sóc số trẻ em có cha mẹ bị mất sức lao động hoặc tử vong vì opioid.
Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký một dự luật nhằm mục đích ngăn chặn đại dịch opioid vốn khiến quốc gia này tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD để khắc phục hậu quả về sức khỏe cho những người nghiện opioid suốt gần 20 năm qua.