Hồi tháng 7 năm ngoái, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và LHQ ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Nga mới đây đã nhất trí gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen thêm 2 tháng, song cho biết thỏa thuận này sẽ chấm dứt trừ khi các bên đạt được một thỏa thuận nhằm khắc phục những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Các yêu cầu mà Moskva đưa ra bao gồm việc nối lại vận chuyển amoniac từ Nga qua lãnh thổ Ukraine đến cảng Pivdennyi ở Odessa, nơi xuất khẩu mặt hàng này. Quá trình vận chuyển khí amoniac, một thành phần quan trọng của các loại phân bón nitơ, đã bị tạm dừng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Vaskov nhấn mạnh: “Nếu amoniac là một vấn đề then chốt, thì LHQ phải làm rõ rằng nếu đường ống dẫn amoniac hoạt động trở lại, thì khi đó Ukraine cũng sẽ có những cơ hội để xuất khẩu ngũ cốc một cách bình thường".
Tuần trước, LHQ lưu ý rằng kể từ khi gia hạn, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen vẫn chưa được thực thi đầy đủ và không có tàu nào được cập cảng Pivdennyi kể từ ngày 29/4. Một nguồn tin cấp cao của Chính phủ Ukraine cho biết Kiev sẽ xem xét việc cho phép amoniac của Nga quá cảnh lãnh thổ Ukraine để xuất khẩu, với điều kiện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được mở rộng đối với nhiều cảng và hàng hóa của Ukraine hơn.
Các yêu cầu của Nga nhằm cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón bao gồm việc kết nối trở lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Ngoài ra, Moskva cũng yêu cầu nối lại nguồn cung cấp máy móc và phụ tùng nông nghiệp; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm; cũng như dỡ bỏ việc phong tỏa tài sản và tài khoản của các công ty Nga tham gia xuất khẩu thực phẩm và phân bón.
Liên quan vấn đề ngũ cốc Ukraine, cùng ngày, Ủy viên phụ trách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Janusz Wojciechowski cho rằng EU cần gia hạn các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine cho đến ít nhất là cuối tháng 10 tới, bất chấp sự phản đối gay gắt từ Kiev.
Các biện pháp hạn chế được đưa ra sau khi các quốc gia ở phía Đông EU cho rằng tình trạng dư thừa ngũ cốc Ukraine đã làm giảm giá hàng nội địa và ảnh hưởng đến nông dân địa phương. EU đã đạt được thỏa thuận với 5 quốc gia liên quan - gồm: Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Romania, cho phép các nước này ngăn chặn việc nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Phát biểu trong họp báo, ông Wojciechowski nêu rõ "cần kéo dài hạn chế, tốt nhất là đến cuối năm, nhưng tối thiểu là đến cuối tháng 10". Theo ông, kho dự trữ của các quốc gia tuyến đầu của EU có nhiều ngũ cốc hơn ở Ukraine, vì vậy cần kéo dài lệnh cấm nhập khẩu tạm thời để cải thiện tình hình ở các nước này.
Các hạn chế của EU đối với xuất khẩu của Ukraine dự kiến kết thúc vào ngày 5/6. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích các hạn chế này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Trên thực tế, các thành viên EU cũng chia rẽ về lệnh hạn chế này, theo đó 12 quốc gia (trong đó có Pháp và Đức) đã bày tỏ lo ngại về "sự thiếu minh bạch" và cảnh báo điều này có thể làm suy yếu thị trường chung của châu Âu.
Theo ông Wojciechowski, Ủy ban châu Âu vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng "đã thuyết phục được các quốc gia thành viên còn lại rằng điều này là công bằng".
Xung đột quân sự đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kênh xuất khẩu ngũ cốc truyền thống của Ukraine qua Biển Đen, khiến nước này phải xuất khẩu bằng đường bộ qua các nước láng giềng.
Các quốc gia thành viên EU đã nhất trí cho phép nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không hạn chế về số lượng, không qua giám sát hải quan và kiểm tra chính thức. Tuy nhiên, nông dân ở một số nước trong EU đã phản đối sau khi giá ngũ cốc nội địa sụt giảm, dẫn đến việc khối này phải ban hành một loạt hạn chế và lệnh cấm đối với lương thực xuất khẩu của Ukraine.