Phát biểu với hãng tin Reuters (Anh) ngày 10/9 trước thềm một hội nghị tại thủ đô Paris của Pháp về tái thiết thành phố Mosul, bà Azoulay cho biết mục tiêu và tính chất của sáng kiến trên cho thấy rõ lý do một tổ chức như UNESCO đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh một số nước hoài nghi về chủ nghĩa đa phương.
Bằng cách hợp tác với Chính phủ Iraq, UNESCO muốn trở thành bên điều phối nhằm khôi phục một số nét đặc trưng của thành phố Mosul, vốn bị phá hủy trong cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Bên cạnh đó, UNESCO cũng muốn áp dụng các chương trình mang tính giáo dục nhằm chống chủ nghĩa cực đoan.
Hiện UNESCO đang đẩy nhanh kế hoạch tái thiết khu chợ, thư viện trung tâm, hai nhà thờ và một thánh đường tại Mosul. Trong đó, dự án lớn nhất được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tài trợ 50 triệu USD nhằm khôi phục đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tòa tháp nổi tiếng Hadba của đền thờ này bị IS phá hủy hồi tháng 6/2017. Theo ước tính của Chính phủ Iraq, cần viện trợ ít nhất 2 tỷ USD mới có thể xây dựng lại thành phố Mosul.
Tháng 10/2017, cả Mỹ và Israel đều thông báo rút khỏi UNESCO với lý do tổ chức này "duy trì thành kiến chống Israel". Động thái trên làm dấy lên mối lo ngại về nguồn ngân quỹ của tổ chức được thành lập sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai này.
UNESCO, có trụ sở tại Paris (Pháp) và bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Đây là một tổ chức của Liên hợp quốc có uy tín cao, có đông đảo thành viên và nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức này là giáo dục, văn hoá, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin và truyền thông. Mỗi năm, Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD cho UNESCO, tương đương 20% ngân sách của tổ chức này. Mỹ sẽ chính thức rút khỏi UNESCO kể từ ngày 31/12/2018.