Trong một tuyên bố, ông Filippo Grandi, người đứng đầu UNHCR, một lần nữa kêu gọi các nước láng giềng với Afghanistan mở cửa biên giới cũng như các nước khác chia sẻ “trách nhiệm nhân đạo này” với Iran và Pakistan - hai quốc gia đang có 2,2 triệu người Afghanistan tị nạn. Hôm 27/8, UNHCR cho biết đến cuối năm nay sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan rời bỏ đất nước Tây Nam Á này.
Cùng ngày, Nga đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh và nhân quyền ở Afghanistan, song cho rằng không nên áp đặt trừng phạt với chế độ mới tại đây. Phát biểu trên kênh truyền hình Russia-24, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Afghanistan, ông Zamir Kabulov cho biết Moskva đang can dự tích cực nhằm xây dựng quan hệ với chính quyền mới ở Afghanistan, bày tỏ hy vọng chính quyền mới sẽ “hành động theo cách dân sự”.
Đặc phái viên Kabulov kêu gọi Mỹ chấm dứt phong tỏa tài sản dự trữ ở nước ngoài của ngân hàng trung ương Afghanistan. Theo ông Kabulov, nếu các nước phương Tây thực sự lo lắng về vận mệnh của người dân Afghanistan, thì không nên tạo thêm vấn đề bằng cách phong tỏa các khoản dự trữ bằng vàng và ngoại hối của quốc gia Tây Nam Á. Theo đó, ông Kabulov kêu gọi Mỹ khẩn trương chấm dứt phong tỏa những tài sản này để ngăn đà sụp đổ của đồng nội tệ Afghanistan.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến cuối tháng 4, tổng tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan có giá trị 9,4 tỷ USD, phần lớn đang ở nước ngoài. Hiện Mỹ tuyên bố lực lượng Taliban sẽ không được tiếp cận số tài sản được gửi tại Mỹ, dù không cho biết số liệu cụ thể.
Cũng liên quan đến tình hình ở Afghanistan, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 30/8 cho biết các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ủng hộ ý tưởng tiến hành tham vấn chung về tình hình Afghanistan với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong hội nghị sắp tới tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan dự kiến vào ngày 16-17/9 tới.