Đây là nhận định của Ủy ban Ổn định tài chính (FSB), tổ chức giám sát tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đưa ra ngày 14/4.
Theo FSB, dù làn sóng rủi ro ban đầu đã qua đỉnh nhưng các thị trường vẫn đang trong tình trạng căng thẳng với một số trường hợp có biểu hiện thanh khoản kém. Chủ tịch FSB Randal Quarles nhấn mạnh tác động của đại dịch đối với các thị trường tín dụng và quỹ đầu tư đã cho thấy rõ các lỗ hổng rủi ro tiềm ẩn và đặt ra yêu cầu cần đánh giá rõ ràng các rủi ro này để đưa ra các chính sách tác động phù hợp.
FSB cho biết tổ chức này đã thành lập một nhóm để tinh chỉnh quy định đối với hoạt động của các quỹ đầu tư và thị trường tín dụng phi ngân hàng - khu vực vốn luôn tồn tại xung đột giữa các cơ quan quản lý thị trường và ngân hàng trung ương về việc nên điều tiết ở mức độ nào.
Ông Quarles, người cũng giữ chức Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) phụ trách giám sát ngân hàng, cho biết các thành viên FSB đã tham gia trao đổi thông tin hàng ngày, chuyên sâu để điều phối các phản ứng quốc gia.
Các cơ quan quản lý đã chịu áp lực nặng nề từ các ngân hàng để nới lỏng quy định về vốn dự phòng rủi ro và nợ xấu trong bối cảnh các doanh nghiệp phải vận lộn để duy trì hoạt động trong thời gian chính quyền phong tỏa các thành phố do dịch bệnh. Ông Quarles cho biết FSB đã hướng dẫn các nước thành viên G20 sử dụng tính linh hoạt hiện nay có trong các quy tắc toàn cầu mà vẫn duy trì việc đảm bảo các tiêu chuẩn chung.