Theo đánh giá của Moncef Slaoui, Giám đốc phụ trách chiến dịch “Vaccine thần tốc” (Operation Warp Speed – chương trình phân phối vaccine của chính quyền liên bang Mỹ), người dân Mỹ gần như không có cơ hội tiêm vaccine AstraZeneca trước tháng 4/2021, do còn nhiều câu hỏi cần phải được làm rõ về hiệu quả của vaccine này trên một số nhóm đối tượng.
Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ sẽ lùi thời gian cấp phép cho vaccine của AstraZeneca ít nhất là hai tháng. Trước đó, ông Slaoui từng dự đoán hãng dược của Anh sẽ nộp đơn cấp phép tới Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào đầu tháng 2. “Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, việc cấp phép sử dụng khẩn cấp sẽ được thực hiện vào khoảng giữa tháng 4”, ông Slaoui phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/12.
Mỹ đã đặt mua khoảng 300 triệu liều vaccine do AstraZeneca bào chế, với liều dùng 2 mũi tiêm/người. Mẫu vaccine này từng bị đặt nghi vấn trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. AstraZeneca đã từng phải tạm dừng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đối với vaccine ngừa COVID-19 hồi đầu tháng 9 vừa qua do xuất hiện tình trạng phản ứng phụ nghiêm trọng trên một tình nguyện viên.
Đến ngày 25/11, AstraZeneca lại phải lên tiếng nhận sai sót sau khi công bố kết quả vaccine COVID-19 thử nghiệm cho ''hiệu quả cao'' lên tới 70%, nhưng không đề cập lý do tại sao một số người tham gia nghiên cứu không nhận được đủ liều lượng vaccine như dự kiến trong mũi đầu tiên của 2 liều tiêm.
Tổng cộng 2.741 người đã được tiêm nửa liều vaccine trong mũi đầu tiên, sau đó là mũi thứ 2 đủ liều; trong khi số được tiêm đủ liều cả 2 mũi là 8.895 người. Các chuyên gia cho rằng do số lượng tương đối ít những người tiêm liều thấp nên rất khó để biết được hiệu quả là có thực hay là một sai lầm thống kê.
Ông Slaoui đánh giá, vaccine của AstraZeneca tỏ ra rất hiệu quả trong ngăn ngừa các ca bệnh nặng, nhưng lại chưa chứng minh được hiệu quả đối với nhóm đối tượng người già, bởi số người lớn tuổi tham gia thử nghiệm lâm sàng còn ít. Đây là câu hỏi lớn nhất mà ông đặt ra đối với vaccine của AstraZeneca.
Anh ngày 30/12 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng đối với vaccine của AstraZeneca. Giới chức y tế nước này tuyên bố sẽ đưa vaccine này vào tiêm chủng trên diện rộng với hai liều dùng, mỗi liều cách nhau ba tháng. Anh nhìn nhận bước đi này giúp tạo ra mức độ bảo vệ nhất định trong bối cảnh nước này đối diện với tình trạng bùng phát cá nhiễm mới liên quan đến một biến thể lạ của SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các chủng trước đó.
Bước cấp phép của Anh chưa giúp xóa bỏ những nghi ngại đối với vaccine do AstraZeneca bào chế, nhất là liên quan đến liều dùng. Dữ liệu do hãng dược này công bố cho thấy vaccine có hiệu quả 62% khi tiêm đủ 2 liều, cách nhau 28 ngày. Nhưng sau lỗi công bố hồi tháng 11, giới khoa học nhận ra rằng vaccine hiệu quả tới 90% trên một nhóm nhỏ tình nguyện viên mà chỉ dùng nửa liều trong mũi tiêm thứ nhất, đủ liều trong mũi thứ hai.
AstraZeneca cho biết, hiệu quả trung bình của vaccine đạt mức 70%, nhưng ông Slaoui cho biết giới chức quản lý dược phẩm Mỹ sẽ không thỏa mãn với kết luận này. Theo ông, điều quan trọng nhất là phải khẳng định một mẫu vaccine đạt hiệu quả là cụ thể là bao nhiêu phần trăm. “Chúng tôi cần là một con số rõ ràng và cụ thể, chứ không phải là một con số được cộng dồn, chia trung bình từ các đợt thử nghiệm khác nhau, với lịch trình khác nhau và liều dùng khác nhau”, người đứng đầu Chiến dịch “Vaccine thần tốc” nêu quan điểm.