Venezuela bắt hàng loạt nhân viên tập đoàn nhà nước vì tham ô

Gần 50 nhân viên thuộc công ty quốc doanh Hệ thống Phân phối thực phẩm Venezuela đã bị bắt do tham ô.

Binh sĩ Venezuela gác tại một siêu thị tại thủ đô Caracas để ngăn chặn nạn đầu cơ tích trữ hàng hóa. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp Venezuela Gustavo Gonzalez Lopez ngày 16/2 thông báo thông tin này. Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn lời ông Lopez cho biết những người bị bắt của công ty chuyên cung ứng lương thực, thực phẩm với giá rẻ được nhà nước quy định cho 53 cửa hàng trên toàn quốc, đã giữ lại hàng hóa để bán với giá cao kiếm lời. Trong số các mặt hàng bị cảnh sát bắt giữ có thịt, giấy vệ sinh, tã giấy, bơ và dầu gội đầu.

Ông Lopez nhấn mạnh Chính phủ sẽ trừng phạt và loại bỏ "tất cả những kẻ phản bội" muốn làm giàu bất chính dựa vào sự thiếu thốn của người nghèo, đồng thời khẳng định sẽ không nhân nhượng đối với những kẻ tham ô.

Trước đó, ngày 25/1, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực (CVAL) Hebert Aguilar và Chủ tịch Hệ thống Phân phối thực phẩm Bárbara Figueroa cũng đã bị bắt vì hành vi đầu cơ và tham ô. Khám nhà bà Figueroa, cảnh sát đã tìm thấy hơn 10 triệu bolívar (tương đương 1,5 triệu USD) bị tình nghi có được do tham tham nhũng.

Việc bắt giữ lãnh đạo hai tập đoàn thực phẩm quốc doanh lớn này diễn ra sau khi các cơ quan chức năng phát hiện ra đường dây tuồn lương thực, thực phẩm được chính phủ trợ giá bán ra ngoài hệ thống cửa hàng mậu dịch nhà nước với giá cao để kiếm lời bất chính.

Chánh văn phòng CVAL Bárbara González và ba quan chức khác trong các tập đoàn này cũng bị bắt do "hành vi tham ô có hệ thống và kéo dài". Ra đời năm 2010, tập đoàn quốc doanh CVAL quản lý nhiều nhà máy công nghiệp thực phẩm và nhiều sản phẩm khác. Trong khi đó, Hệ thống phân phối thực phẩm có nhiệm vụ cung cấp lương thực tới hệ thống các cửa hàng mậu dịch bán cho người dân nghèo với giá rẻ.

Trước đó, ngày 30/1, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng đã đề cập tới vụ việc này song không thông báo chi tiết. Ông khẳng định sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và kêu gọi người dân tố cáo những hành vi tham nhũng và quan liêu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela gặp nhiều khó khăn, Chính phủ của Tổng thống Maduro nhấn mạnh sẽ ưu tiên tăng cường sản xuất lương thực và thực phẩm. Nền kinh tế này đã sụt giảm 5% trong năm 2015 và thống kê của Ngân hàng Trung ương Venezuela, lạm phát 9 tháng đầu năm 2015 đã lên tới 108,7%.

Giá dầu lao dốc cũng ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu của Venezuela khi dầu khí chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dầu khí của quốc gia thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này chỉ đạt 42,5 tỷ USD so với 74 tỷ USD năm 2014. Dự trữ ngoại tệ của Venezuela hiện chỉ còn gần 15 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003.

TTXVN/Tin Tức
OPEC ủng hộ tiến hành họp khẩn cấp theo đề xuất của Venezuela
OPEC ủng hộ tiến hành họp khẩn cấp theo đề xuất của Venezuela

Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) ngày 4/2 cho biết 7 trong số 13 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã ủng hộ đề xuất tiến hành một cuộc họp khẩn cấp giữa OPEC và các nước sản xuất dầu khác nhằm bình ổn giá dầu thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN