Mặc dù những bệnh nhân như vậy thường có bệnh nền như tiểu đường và tim mạch làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng, nhưng các nhà khoa học ngày càng tin rằng tình trạng dễ bị tổn thương của họ có liên quan đến thể trạng béo phì.
Giờ đây, giới nghiên cứu đã phát hiện rằng virus SARS-CoV-2 lây nhiễm vào cả tế bào mỡ lẫn một số tế bào miễn dịch nhất định nằm trong lớp mỡ cơ thể, gây ra phản ứng phòng vệ có hại cho cơ thể.
Tiến sĩ Philipp Scherer, nhà nghiên cứu về tế bào mỡ tại Trung tâm Y tế UT Southwestern (Mỹ) song không tham gia vào nghiên cứu trên, nhấn mạnh: “Thật vậy, virus có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào mỡ. Chúng không hề dừng lại ở mô mỡ mà sẽ ảnh hưởng đến những mô xung quanh nữa”.
Trong khi đó, Giáo sư về miễn dịch học Vishwa Deep Dixit tại Trường Y Yale cho biết: “Đó có thể là điểm yếu mà virus lợi dụng để trốn tránh các phản ứng miễn dịch bằng cách ẩn náu ở mô mỡ”.
Theo báo New York Times, nghiên cứu trên vừa được Giáo sư Catherine Blish tại Trung tâm Y tế Đại học Standford cùng các đồng nghiệp ở Đức và Thuỵ Sĩ công bố trên kho dữ liệu nghiên cứu trực tuyến hồi tháng 10.
Nếu kết quả trên được hội đồng chuyển gia công nhận, nó sẽ làm sáng tỏ không chỉ lý do vì sao những bệnh nhân thừa cân lại dễ nhiễm virus mà còn về việc một số người trẻ tuổi không có nguy cơ bệnh lý khác lại bị tổn thương nặng vì COVID-19.
Phát hiện này đặc biệt gây chú ý tại Mỹ - quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới. Hầu hết người Mỹ trưởng thành bị thừa cân và có đến 42% bị béo phì.
Ở Mỹ, người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa và người Alaska bản địa có tỷ lệ béo phì cao hơn người da trắng và người Mỹ gốc Á. Họ cũng bị ảnh hưởng nặng hơn bởi đại dịch với tỷ lệ tử vong gần gấp đôi người Mỹ da trắng.
Mỡ trong cơ thể từng được coi là chất trơ - một dạng tích trữ. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện nay hiểu rõ rằng mô này cũng hoạt động sinh học, tạo ra các hormone và protein của hệ thống miễn dịch hoạt động trên các tế bào khác, thúc đẩy trạng thái dai dẳng của tình trạng viêm mức độ thấp ngay cả khi không bị nhiễm trùng.
Viêm là phản ứng của cơ thể đối với virus “xâm lược”, và đôi khi nó có thể mạnh mẽ đến mức gây hại hơn cả loại virus kích hoạt nó.
Mô mỡ được cấu tạo chủ yếu từ các tế bào mỡ hay còn gọi là tế bào mỡ. Nó cũng chứa tiền tế bào mỡ, trưởng thành thành tế bào mỡ và nhiều loại tế bào miễn dịch, bao gồm một loại gọi là đại thực bào mô mỡ.
Tiến sĩ Blish cùng các đồng nghiệp đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm để xem liệu mô mỡ thu được từ bệnh nhân phẫu thuật béo phì có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không, đồng thời theo dõi phản ứng của các loại tế bào khác nhau.
Kết quả, các nhà khoa học phát hiện ra rằng bản thân các tế bào mỡ có thể bị nhiễm trùng nhưng không bị viêm nặng. Nhưng một số tế bào miễn dịch được gọi là đại thực bào cũng có thể bị nhiễm bệnh và chúng phát triển phản ứng viêm mạnh mẽ. Lạ hơn nữa, các tiền tế bào mỡ không bị nhiễm trùng nhưng góp phần tạo phản ứng viêm.
Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành lấy mô mỡ từ thi thể các bệnh nhân ở châu Âu tử vong vì COVID-19 và tìm thấy virus SARS-CoV-2 trong mô mỡ xung quanh các cơ quan nội tạng.
Thế nhưng, ý tưởng cho rằng mô mỡ có thể đóng vai trò như một ổ chứa mầm bệnh không phải là mới. Mỡ cơ thể được từng được phát hiện chứa virus HIV và virus cúm.
Theo đó, SARS-CoV-2 dường như có thể trốn tránh các hệ thống miễn dịch của chất béo trong cơ thể, vốn đã bị hạn chế và không có khả năng chống lại mầm bệnh một cách hiệu quả. Và ở những người béo phì, họ có rất nhiều mỡ trong cơ thể.
Tiến sĩ David Kass, Giáo sư tim mạch tại Đại học Johns Hopkins, cho biết một người đàn ông có cân nặng lý tưởng là 77kg nhưng nếu nặng 113kg thì anh ta sẽ thừa ra lượng mỡ đáng kể mà virus có thể ẩn náu trong đó, tái tạo và kích hoạt phản ứng phá hủy hệ miễn dịch.
"Nếu bạn thực sự rất béo, mỡ chính là cơ quan riêng lẻ lớn nhất trong cơ thể bạn", Tiến sĩ Kass nói. Theo ông, virus SARS-CoV-2 có thể tấn công vào mô mở và lưu trú tại đó. Mô mỡ sẽ trở thành một “hồ chứa” của virus gây COVID-19.
Ngoài ra, nhóm tác giả còn nghi ngờ lớp mỡ nhiễm virus có thể gây ra chứng “COVID-19 kéo dài” trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi hồi phục COVID-19. Dữ liệu này cũng đề xuất việc sản xuất vaccine và điều trị COVID-19 cần chú ý đến cân nặng và tỷ lệ mỡ của người bệnh.
Tiến sĩ Barry Popkin, Giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Bắc Carolina đánh giá bài báo này là một lời cảnh tỉnh khác cho ngành y tế để xem xét sâu hơn các vấn đề của những người thừa cân và béo phì.