Trong thông báo của WHO, ủy ban trên "nhấn mạnh tới khả năng đại dịch COVID-19 có thể kéo dài", đồng thời "cảnh báo nguy cơ 'phản ứng khó khăn' ở các nước dựa trên những sức ép kinh tế - xã hội". Thông báo cũng hối thúc WHO hỗ trợ các quốc gia trong việc chuẩn bị triển khai các liệu trình và vaccine đã được kiểm nghiệm.
Ngoài ra, ủy ban trên cũng đề nghị WHO đẩy nhanh quá trình nghiên cứu về "chi tiết chưa rõ" liên quan đến virus SARS-CoV-2, ví dụ như nguồn gốc có phải từ động vật hay khả năng lây truyền qua động vật.
Theo thông báo, trong cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại Geneva, Tổng giám đốc của WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng các nước cần tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Ông nói: "Chỉ cách đây sáu tháng, khi được đề nghị về ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, COVID-19 có chưa tới 100 ca mắc bệnh và không có trường hợp thiệt mạng nào ngoài Trung Quốc. Đây là cuộc khủng hoảng y tế chỉ có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận thấy trong những thập niên tới".
Theo số liệu cập nhật mới nhất trên trang Worldometers, thế giới đã ghi nhận hơn 17 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 5.000 ca thiệt mạng. Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi là những nước đang có nhiều ca mắc và thiệt mạng nhất trên thế giới.