WHO thông báo Châu Phi đã thoát khỏi đỉnh dịch COVID-19

Ngày 25/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo châu Phi đã thoát khỏi giai đoạn đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đại dịch lịch sử vẫn đang hoành hành trên phần còn lại của thế giới kể từ đầu năm 2020.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi, ngày 10/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong một thông báo cùng ngày, Văn phòng châu Phi của WHO có trụ sở tại thủ đô Brazzaville của Congo cho biết trong 2 tháng qua, tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại châu lục này đã giảm đáng kể. Tính riêng trong giai đoạn 4 tuần vừa qua, Lục địa Đen chỉ ghi nhận 77.147 ca mắc COVID-19, thấp hơn nhiều so với 131.647 ca trong cùng quãng thời gian trước đó.

Trên tổng thể, tính đến ngày 25/9, châu Phi ghi nhận 1.439.657 ca mắc COVID-19, trong đó bao gồm 34.706 trường hợp tử vong, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia và châu lục khác trên thế giới, đặc biệt so với Mỹ, nước hiện ghi nhận tới 6.979.937 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 202.827 người tử vong.

Theo WHO, phần lớn các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi như Nam Phi, Algeria, Ethiopia, Nigeria… đều ghi nhận số ca mắc mới giảm mạnh trong 2 tháng vừa qua, trong đó Nam Phi, quốc gia chiếm tới nửa số ca mắc tại châu lục, chứng kiến số ca mắc mới giảm tới 70-80%.

Lý giải cho hiện tượng này, WHO cho rằng mật độ dân số thấp, khí hậu nóng ẩm cùng cơ cấu dân số trẻ là những nguyên nhân giúp châu lục 1,3 tỷ dân này vượt qua giai đoạn đỉnh dịch. Theo WHO, 91% số ca mắc COVID-19 tại châu Phi nằm trong độ tuổi dưới 60, trong khi khoảng 80% số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không biểu hiện triệu chứng.

Ngoài ra, theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, sau khi ghi nhận những ca mắc đầu tiên, phần lớn lãnh đạo các quốc gia trong châu lục đã ngay lập tức tiến hành phong tỏa đất nước ở nhiều cấp độ khác nhau, chấp nhận đóng cửa nền kinh tế. Đây được đánh giá là những quyết sách đã giúp giảm đà lây lan của virus một cách hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.

Đơn cử như Nam Phi, quốc gia được đánh giá là đầu tàu trong việc triển khai những biện pháp chống dịch quyết liệt, đã ngay lập tức ban hành tình trạng khẩn cấp và sau đó là áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc từ tháng 3, khi số ca nhiễm tại đây mới chỉ khoảng 100 người.

Theo bà Moete, cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ tháng 6 nhằm từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế nhưng phần lớn các nước châu Phi vẫn chưa mở cửa hoàn toàn biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARSC-CoV-2 từ bên ngoài.

Phi Hùng (TTXVN)
COVID-19 tới 6 giờ sáng 26/9: Thế giới gần 1 triệu ca tử vong; Anh ghi nhận ca mắc mới cao kỷ lục
COVID-19 tới 6 giờ sáng 26/9: Thế giới gần 1 triệu ca tử vong; Anh ghi nhận ca mắc mới cao kỷ lục

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 281.563 trường hợp mắc COVID-19 và 4.873 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 32 triệu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN