Đợt giao tranh kéo dài 11 ngày qua giữa hai bên không chỉ khiến hàng trăm người thương vong, mà còn đe dọa an ninh và ổn định toàn khu vực Trung Đông, cản trở tiến trình tìm giải pháp bền vững và toàn diện cho cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài hơn 70 năm qua.
TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về lịch sử cuộc xung đột Israel - Palestine và những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông trên cơ sở giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô cùng tồn tại hòa bình bên Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967.
Bài 1: Hy vọng mong manh
Việc Israel và lực lượng Hamas của Palestine cùng xác nhận ngừng bắn từ ngày 21/5 đã tạm khép lại cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên kể từ năm 2014, kéo dài 11 ngày qua
Các thông báo ngừng bắn được hai bên đưa ra đêm 20/5 trong các sự kiện riêng rẽ, với thời điểm hiệu lực thống nhất kể từ 2 giờ sáng 21/5 (6h00 sáng cùng ngày theo giờ Hà Nội). Phía Israel công bố thông tin sau một cuộc họp nội các an ninh do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu tập, trong đó các thành viên nội các đã "nhất trí với các đề nghị nhằm chấp nhận một sáng kiến của Ai Cập về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện”. Về phía Palestine, không chỉ Hamas mà cả nhóm vũ trang khác ở Dải Gaza là lực lượng Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) đã xác nhận lệnh ngừng bắn rocket và tên lửa về phía Israel.
Lệnh ngừng bắn trên đã giúp giải tỏa một sức ép tâm lý vô cùng lớn đối với người dân ở cả Israel và Palestine sau 11 ngày căng thẳng. Ngay trong đêm 20/5, người dân sống ở Dải Gaza đã đổ ra đường ăn mừng với các màn bắn pháo hoa rực sáng trên bầu trời, thay cho những luồng sáng của đạn pháo và tên lửa chỉ trong vài giờ trước đó. Sáng 21/5, không khí yên bình cũng đã trở lại với các thành phố lớn ở Israel. Điều này là dễ hiểu, hơn 10 ngày bom rơi đạn nổ đã để lại cho cả hai bên những hậu quả nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hamas và các nhóm vũ trang ở Gaza đã phóng khoảng 4.000 quả rocket về phía Israel, khiến 12 người ở Israel thiệt mạng. Hậu quả về phía Palestine tàn khốc hơn nhiều: Các loạt đòn không kích từ Israel đã khiến hơn 230 người Palestine tử vong, trong đó có 65 trẻ em; nhiều tòa nhà đã biến thành đống đổ nát, khoảng 120.000 người đã phải sơ tán.
Không chỉ người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến, dư luận thế giới cũng hết sức vui mừng sau khi thỏa thuận ngừng bắn được hai bên xác nhận. Phát biểu với báo giới vài phút trước khi thỏa thuận có hiệu lực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ cam kết của mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ giúp đỡ Dải Gaza bằng các gói cứu trợ nhân đạo, trong khi Ngoại trưởng Anh Dominic Raab kêu gọi tất cả các bên hợp tác để duy trì lệnh ngừng bắn một cách bền vững và chấm dứt bạo lực trong khu vực.
Trước đó, LHQ, các tổ chức quốc tế lớn và các nước đều đồng loạt lên án việc Israel và Hamas giải quyết mâu thuẫn bằng súng đạn, đồng thời tích cực xúc tiến một loạt hoạt động ngoại giao nhằm sớm chấm dứt cuộc xung đột. Đóng vai trò tích cực nhất ngoài LHQ với trách nhiệm gìn giữ hòa bình quốc tế phải kể đến vai trò của Ai Cập, Mỹ và một số nước trong khu vực hoặc có cộng đồng dân cư Hồi giáo lớn như Bahrain hay Indonesia.
Với vai trò “cầu nối” giữa Israel và Hamas, Ai Cập đã tiến hành các cuộc làm việc dày đặc với tất cả các bên liên quan trong thời gian xảy ra chiến sự nhằm thuyết phục hai bên ngừng leo thang xung đột và sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cũng không quên đề nghị phía Israel thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân Palestine. Đánh giá cao vai trò của Ai Cập, phát biểu tại một diễn đàn tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh Cairo đóng một vai trò "vô cùng quan trọng" trong mọi vấn đề nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn.
Với Mỹ, quốc gia có nhiều lợi ích ở Trung Đông, đặc biệt là mối quan hệ đồng minh chiến lược với Israel, các quan chức của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thực hiện hàng chục cuộc điện đàm với lãnh đạo hàng đầu của Israel, Palestine và các nước Trung Đông để tìm cách vãn hồi hòa bình. Trong cuộc điện đàm gần nhất với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi "giảm leo thang đáng kể" bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas. Ngoài ra, ông Biden cũng điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi để thảo luận việc Cairo làm trung gian kết nối giữa Israel và Hamas nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn. Mặc dù vẫn tìm cách cản trở Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết về cuộc xung đột, nhưng có thể nhận định thiếu sức ép trực tiếp của Washington thì chưa chắc Israel đã thông báo lệnh ngừng bắn tại thời điểm hiện tại.
Về ý nghĩa của lệnh ngừng bắn với tiến trình hòa bình Trung Đông, các chuyên gia cho rằng cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Hamas không có tác động nhiều tới các vấn đề lớn về an ninh và địa chính trị trong khu vực. Quan hệ ngoại giao “chớm nở” giữa Israel và các nước Hồi giáo Vùng vịnh có thể bị ảnh hưởng nhưng không phải ở các vấn đề cốt lõi. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc trong thời gian qua đã ký các hiệp định bình thường hóa quan hệ với Israel (hiệp định Abraham), với sự trung gian kết nối tích cực của Mỹ, đều có những mục tiêu và mong muốn riêng, mà bỏ qua vấn đề nền tảng “hòa bình cho Palestine và giải pháp hai nhà nước”.
Trước khi ký thỏa thuận, UAE đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Israel và có những hoạt động âm thầm khai thác các lợi ích kinh tế thương mại với Israel. Ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel vào cuối năm ngoái, Maroc coi đây là vấn đề chiến lược bởi đổi lại nước này được Mỹ công nhận chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đang tranh chấp Tây Sahara. Sudan cũng có lợi ích khi được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Còn với Saudi Arabia, quốc gia chưa thiết lập quan hệ trực tiếp với Israel nhưng có vai trò vô cùng quan trọng “bật đèn xanh” cho các thỏa thuận Abraham được thông qua, quan điểm của nước này trước và sau cuộc chiến vẫn không thay đổi. Lâu nay, Saudi Arabia vẫn đóng vai trò “cầm cờ” trong khối các nước Arab, đặt nguyên tắc “giải pháp hai nhà nước” ủng hộ người Palestine trong các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Israel và Palestine.
Có hai yếu tố chính thúc đẩy hai bên ngừng leo thang xung đột: sức ép từ cộng đồng quốc tế và áp lực chính trị từ bên trong. Tại Gaza, cuộc sống của người dân đã rơi vào tình trạng “tồi tệ” trước các cuộc không kích liên tục từ phía Israel, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Với Israel, cho dù hệ thống Vòm Sắt đánh chặn tên lửa đã phát huy hiệu quả, song suốt 11 ngày qua, người dân ở các thành phố trung tâm chính trị tài chính như Jerusalem và Tel Aviv phải chứng kiến một không khí chiến tranh thực sự khi các tên lửa và đạn pháo của Hamas vươn tới các khu vực này và gây thương vong. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự hiểu rằng đến thời điểm này sẽ khó có thể đạt được thêm điều gì nếu tiếp tục giao tranh trong vài ngày hay vài tuần tới.
Việc hai bên nhất trí ngừng bắn ở Gaza là diễn biến tích cực mở ra hy vọng, song vấn đề trước mắt là bảo đảm lệnh ngừng bắn được thực thi. Cũng cần nhắc lại rằng đây không phải lần đầu tiên Israel và lực lượng Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Trong lịch sử xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập niên qua, các đợt giao tranh vũ trang giữa Israel với lực lượng Hamas thường xuyên xảy ra và cũng không ít lần các lệnh ngừng bắn giữa hai bên bị phá vỡ. Điều đó khiến dư luận lo ngại lệnh ngừng bắn vừa đạt được chỉ mang tính tạm thời, không có nghĩa là cơ hội hòa bình sẽ sớm quay trở lại với người dân ở dải Gaza.
Để thỏa thuận ngừng bắn kéo dài bền vững và góp phần đưa các bên trở lại tiến trình hòa bình Trung Đông, các nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột vừa qua cần được giải quyết tận gốc rễ. Sau khi lệnh ngừng bắn được đưa ra, các thủ lĩnh của Hamas tiếp tục yêu cầu Israel chấm dứt bạo lực tại Jerusalem, bảo vệ đền thờ Al-Aqsa linh thiêng với người Hồi giáo và chấm dứt việc đuổi người dân Palestine ra khỏi nhà của họ tại Đông Jerusalem. Về phía Israel, sau khi giao tranh dừng lại, chính phủ nước này cũng sẽ phải tiến hành một số biện pháp xử lý một “cuộc chiến” khác đang trong lòng đất nước, khi mà bạo lực vẫn tiếp diễn giữa các cộng đồng Do Thái và Arab tại các thành phố ở Israel, nơi có khoảng 1,9 triệu công dân gốc Arab, tương đương 20% dân số, đang sinh sống
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Israel và Palestine có trách nhiệm "ngoài việc khôi phục sự yên bình, phải bắt đầu một cuộc đối thoại nghiêm túc để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột", đồng thời "trở lại con đường đàm phán có ý nghĩa nhằm chấm dứt sự chiếm đóng và cho phép hiện thực hóa một giải pháp hai nhà nước trên cơ sở đường biên giới năm 1967, nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung”. Điều đó đòi hỏi thiện chí từ cả Israel và Palestine. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục duy trì vai trò giám sát và thực hiện các bước đi thiết lập an ninh, tìm giải pháp chính trị, khôi phục tầm nhìn chính trị để hướng tới hòa bình lâu dài ở Dải Gaza.