Mặc dù tiềm năng phát triển của mô hình này đang hiện hữu, nhưng số lượng và quy mô hoạt động của các công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Dư địa lớn
Thành lập năm 2010 tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, Công ty TNHH Bao bì Hà Dũng sở hữu hơn 10.000 m2 nhà xưởng sản xuất bao bì phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi, phân bón và bao bì xuất khẩu sang Mỹ và Australia. Cách đây 2 năm, đứng trước cơ hội có được những đơn hàng xuất khẩu giá trị cao, bài toán đặt ra với Hà Dũng là làm sao để đầu tư những máy móc, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất.
"Đầu tư hàng trăm máy móc cùng lúc, số vốn bỏ ra là không hề nhỏ. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tiếp cận mô hình cho thuê tài chính. Thời gian đầu tìm hiểu, doanh nghiệp còn khá e ngại và mất cả tháng trời để đánh giá về thời gian vay cũng như lãi suất so với đi vay ngân hàng", ông Nguyễn Đức Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hà Dũng chia sẻ.
Sau 2 năm thuê tài chính, ông Hải đánh giá thủ tục nhanh gọn và lãi suất trung - dài hạn cạnh tranh so với vay ngân hàng là những ưu điểm mà cho thuê tài chính đem lại. Nhờ đó, doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư được hệ thống máy móc và không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đối với các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp dưới chuẩn thì thuê tài chính là một kênh huy động vốn rất phù hợp vì hình thức này cho phép không cần có tài sản thế chấp mà dùng chính tài sản đi thuê làm tài sản bảo đảm; đồng thời cho phép doanh nghiệp huy động vốn trung - dài hạn từ 3, 5 đến 10 năm để quay vòng vốn sản xuất.
"Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018 giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu lên tới 35 tỷ USD và con số này tính sơ bộ trong quý I năm 2019 đã đạt trên 9 tỷ USD. Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo tại Việt Nam đặt ra là từ 6,8%/năm trở lên, kéo theo nhu cầu đầu tư máy móc, trang thiết bị để phát triển sản xuất. Đây được đánh giá là "mảnh đất màu mỡ" để cho thuê tài chính phát triển trong tương lai", ông Nguyễn Thiều Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính BIDV- SuMi TRUST nhận định.
Theo đánh giá của ông Sơn, dư địa phát triển cho thuê tài chính còn khá rộng mở giữa bối cảnh tăng trưởng tín dụng ngày càng siết chặt và các ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống dưới mức 40%. Do vậy, họ sẽ tập trung vào các dự án lớn, sản phẩm truyền thống, còn các thị trường ngách, dự án tài trợ vốn trung - dài hạn chuyên biệt sẽ là thị trường của cho thuê tài chính.
"Mặc dù dư nợ cho thuê tài chính tăng trưởng ở mức 16% trong năm 2018, nhưng tỷ trọng dư nợ cho thuê tài chính/tổng tín dụng của cả nền kinh tế vẫn ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,27%. Mặc dù số lượng doanh nghiệp sử dụng thuê tài chính có tăng thời gian qua, song vẫn còn khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh. Đây là dư địa rất lớn cho hoạt động cho thuê tài chính", ông Sơn nhấn mạnh.
Tháo gỡ "nút thắt"...
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, nhưng đến nay quy mô của các công ty cho thuê tài chính còn rất nhỏ bé. Trong số 10 công ty cho thuê tài chính đang hoạt động, ngoài VietinBank Leasing sở hữu vốn 1.000 tỷ đồng và BIDV-Sumi Trust 895 tỷ đồng thì các công ty còn lại đều sở hữu số vốn khiêm tốn, ở mức từ 150 - 500 tỷ đồng.
Dư địa phát triển là thế, song thực tế số lượng và quy mô hoạt động của các công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam còn hạn chế bởi nguyên nhân cơ bản là vấn đề vốn.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các công ty cho thuê tài chính là tổ chức tín dụng nên chỉ được nhận tiền gửi hoặc vay vốn từ các ngân hàng thương mại với kỳ hạn dưới 365 ngày. Trong khi đó, các công ty này lại tài trợ vốn trung - dài hạn nên nguồn vốn phần nào bị giới hạn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một trong những cách huy động vốn trung - dài hạn hiệu quả là phát hành trái phiếu, nhưng nếu công ty cho thuê tài chính chưa có uy tín trên thị trường thì việc phát hành trái phiếu cũng rất khó khăn. "Thành ra bản thân các công ty cho thuê tài chính cũng gặp khó khăn về tài chính nên cho dù đây là "cửa ra" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng hiện nguồn cung vẫn chưa đủ", ông Hiếu cho hay.
Bên cạnh đó, kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng, cho thuê tài chính cũng không tránh khỏi những rủi ro. "Rủi ro khách quan đến từ thị trường biến động ảnh hưởng tới kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đến từ chính tài sản cho thuê khi những tài sản này đều là tài sản lưu động nên việc quản lý cũng không dễ dàng. Đặc biệt, chưa có thị trường mua bán lại tài sản chính thức cũng là một trong những khó khăn cho công ty cho thuê tài chính khi xử lý nợ", ông Nguyễn Thiều Sơn cho biết.
Để các công ty cho thuê tài chính phát huy được vai trò là kênh "truyền dẫn" vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp và tương xứng với tiềm năng sẵn có, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: "Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ để có thêm nhiều công ty cho thuê tài chính được thành lập tại Việt Nam; kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty cho thuê tài chính ở các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc... hỗ trợ ngành thuê tài chính Việt Nam phát triển đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước".
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Công ty cổ phần Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt (Verco) mong muốn trong thời gian tới, các công ty cho thuê tài chính sẽ có nhiều sản phẩm phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, có chính sách nới lỏng hơn nữa và chấp nhận mạo hiểm để đầu tư.