Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá vừa qua có những dao động, tuy nhiên thời gian tới, tỷ giá ngân hàng, đặc biệt là tỷ giá trung tâm có thể giữ và giảm dần, thì tỷ giá USD ngoài thị trường cũng sẽ giảm theo. "Đây là trạng thái bình thường của nền kinh tế", Phó Thống đốc khẳng định.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ là 24.246 VND, giảm 26 đồng so với đầu tuần.
Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.458 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.033 VND/USD.
Giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.158 - 25.458 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 15 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Tại Vietcombank giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 25.118 - 25.458 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 15 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm cũng như giá USD tại các ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt từ giữa tuần với tổng cộng giảm 29 đồng. Trong khi đó, tuần trước đó tỷ giá trung tâm tăng 164 đồng, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng 260 đồng.
Ông Đào Minh Tú cho rằng, tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt vấn đề quản lý tỷ giá và điều hành trong thời gian tới. Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa, điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá.
Đánh giá về diễn biến tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua đang có những dao động và VND cũng chấp nhận mất giá so với đầu năm. Năm 2023, VND mất giá khoảng 2,6% nhưng so với các nước xung quanh, việc giữ được mức này là rất nỗ lực.
Theo ông Tú, tại Họp báo đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước có thông tin trong trường hợp cần thiết để ổn định tỷ giá sẽ dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bán can thiệp. Đến nay, tỷ giá trung tâm giảm còn 4,8% so với năm 2023. Dù vậy, mức mất giá này vẫn là tích cực so với nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc) 5,96%; Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ đều mất giá cao hơn nhiều… "Do độ mở của nền kinh tế nên việc điều hành tỷ giá lúc này rất quan trọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá một cách hợp lý", Phó Thống đốc nói.
Trên thị trường thế giới, chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hôm nay đã dừng ở mức 106,09 điểm - tăng 0,47% so với giao dịch ngày 26/4. Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư trú ẩn vào ngoại tệ khi dữ liệu lạm phát của Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt, phù hợp với dự báo và khẳng định kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Báo cáo do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố mới đây cho thấy GDP tăng 1,6% trong quý I (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong gần hai năm qua. Dữ liệu tăng trưởng của Mỹ yếu hơn dự kiến đã khiến giá USD quay đầu giảm.
Ông Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô trưởng tại Equiti Capital ở London, nhận định: “Các số liệu lạm phát thậm chí còn chỉ ra sự cần thiết phải thắt chặt hơn nữa. Chúng tôi biết rằng việc đưa CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) trở lại mục tiêu 2% là điều mà Fed đang hướng tới và do đó, số liệu ngày hôm nay có thể sẽ thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất hơn nữa".