Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm thiệt hại từ 1-1,5% GDP và gây ra những hệ lụy lâu dài đối với môi trường, tác động đến tính mạng, việc sản xuất, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. 

Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 sẽ đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh, có những quy định chặt chẽ phù hợp thực tiễn, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống thiên tai trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Thiên tai ngày càng nghiêm trọng

Chú thích ảnh
Điểm sạt lở tại km 25+800 tuyến đường từ Pắc Ma đi 2 xã biên giới Ka Lăng và Thu Lũm của huyện Mường Tè. Ảnh: TTXVN phát

Năm 2020, thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường, khốc liệt... Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong năm 2020 ở nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến ngày 22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại huyện Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 4/12/2020, thiên tai đã làm 356 người chết, mất tích (291 người chết, 64 người mất tích) và 876 người bị thương; 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 gia súc và 4,11 triệu gia cầm chết, bị lũ cuốn trôi; 787km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.190km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khoảng 4,1 triệu m3 đất, đá sạt lở. Ước tính thiệt hại là hơn 35.181 tỷ đồng.

Trong gần 2 tháng cuối năm 2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7giờ; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường đã gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 1000-2500mm, nhiều nơi có lượng mưa trên 3.000mm như xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) - 3.408mm, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) - 3.446mm.

Do mưa đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày kết hợp với địa hình đồi, núi dốc đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi. Các vụ sạt lở đất tại Nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 ở huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế); huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng một số cơ sở hạ tầng…

Bão đổ bộ dồn dập, kết hợp triều cường, mưa lũ lớn kéo dài nên đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến biển dọc miền Trung, trong đó từ Nghệ An đến Phú Yên đã có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141km. Ngoài ra, hàng trăm km đê, kè cửa sông cũng bị sạt lở, hư hỏng.

Công tác phòng, chống thiên tai ngày càng hiệu quả 

Chú thích ảnh
Một đoạn đê biển Tây tại khu vực vàm Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) bị sạt đang được khắc phục, bồi trúc, gia cố. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Việt Nam là nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, trong 21 loại hình thiên tai được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai sửa đổi thì phần lớn Việt Nam chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại hình thiên tai này (trừ sóng thần). Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dị thường, việc đầu tư, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai là rất quan trọng.

Ngoài 5 chính sách của Nhà nước như quy định trước đây, Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi đã bổ sung 2 chính sách mới bao gồm: Một là ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Hai là ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung tổ chức của Quỹ Phòng, chống thiên tai. Theo quy định mới, Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được tổ chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh (trước đây chỉ tổ chức ở cấp tỉnh). Đồng thời Luật bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tai. 

Ông Quảng Văn Việt, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, chia sẻ: Quỹ  hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Quỹ ở địa phương được chủ động sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Quỹ ở Trung ương chủ yếu được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp, thiệt hại nghiêm trọng và điều tiết giữa các địa phương, khu vực. Nguồn kinh phí Quỹ phòng, chống thiên tai được điều chuyển giữa quỹ ở Trung ương và quỹ ở địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, xác định được tầm quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược nêu rõ, Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, sử dụng hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai và huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn...

Theo Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020, không vượt quá 1,2% GDP; phấn đấu để 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai...

Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Chú thích ảnh
Gia cố đê biển xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống lũ, bão, để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân cũng như thành quả phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra phức tạp.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, hệ thống đê điều nước ta có quy mô lớn với tổng số 9.078 km đê, trong đó có hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Qua đánh giá hiện trạng công trình đê điều, các địa phương đã xác định trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 399 km đê thiếu cao trình; 3 km đê mặt cắt còn nhỏ; 160 km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 kè hỏng, xung yếu và 230 trọng điểm đê điều xung yếu. Nếu các trận mưa cực đoan như trận mưa lớn năm 2008 gây lụt Thủ đô Hà Nội, trận mưa lũ lịch sử năm 2017 tại miền trung... đến đúng vào thời điểm các hồ chứa cắt lũ ở thượng nguồn đã đầy nước thì có khả năng xảy ra lũ lớn, uy hiếp an toàn đê điều.

Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Công Tuyên cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao trách nhiệm chỉ đạo công tác đê điều, theo đó, hằng tháng, bộ tổng hợp tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi cả nước để gửi các cấp, các ngành liên quan, đồng thời có công văn gửi trực tiếp tới chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố có nhiều vụ vi phạm trong tháng hoặc để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng, quy mô lớn, đề nghị vị này chỉ đạo xử lý theo trách nhiệm đã được pháp luật quy định.

Các đơn vị chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường công tác kiểm tra thực tế; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông đưa tin, bài, phóng sự về tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, những vi phạm nổi cộm để cảnh báo, ngăn chặn cũng như tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Hằng năm, bộ tổ chức hội nghị phổ biến quy định của pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai, trách nhiệm xử lý vi phạm đến Chủ tịch UBND cấp huyện có đê.

"Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều", ông Tuyên nhấn mạnh.

Vụ Quản lý đê điều sẽ tham mưu cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp xử lý theo quy định của pháp luật.

Thắng Trung (TTXVN)
Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo kết quả phòng, chống thiên tai
Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo kết quả phòng, chống thiên tai

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN