Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Điều ước quốc tế phải không phương hại đến các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam Các đại biểu cho rằng, 10 năm qua, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu phục vụ triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết ngày càng gia tăng, Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với việc ký kết điều ước quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến điều ước quốc tế, do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành là rất cần thiết. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng Luật ban hành từ năm 2005 đã bộc lộ hàng loạt thiếu sót, cần phải sửa đổi Luật để bảo đảm các mục tiêu: thể hiện quan điểm về công tác đối ngoại của Đảng, triển khai thực hiện quy định mới của Hiến pháp (cụ thể là Điều 70) và thực hiện hoàn chỉnh cơ chế trong việc tham gia các điều ước quốc tế. Các Luật cũng phải phù hợp với các điều ước đã cam kết.
Đa số đại biểu thống nhất sửa tên Luật thành “Luật điều ước quốc tế” do tên gọi này ngắn gọn, đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với quốc tế. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tên gọi này chưa thể hiện được nội dung gia nhập, cần cân nhắc thêm.
Nhiều ý kiến đánh giá dự thảo Luật bước đầu đã cụ thể hóa quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 về các loại điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực, thể hiện tại Điều 29 dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa điều ước quốc tế liên quan đến "tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng" và "điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực vẫn chưa rõ ràng, chưa khắc phục được những vướng mắc hiện nay. Cần phải tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành và rà soát các điều khoản của Luật để phù hợp với Nghị quyết 48 cũng như Hiến pháp 2013.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội), ký và phê chuẩn là hai vấn đề khác nhau, ký rất nhanh nhưng thực hiện là cả vấn đề, phê chuẩn bao nhiêu và kết quả thực hiện thế nào, báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện được vấn đề này.
Có ý kiến băn khoăn về các điều ước quốc tế do Chính phủ và Chủ tịch nước ký cam kết khi xây dựng có đảm bảo quy trình, đặc biệt là các điều ước liên quan đến ngân sách. Các đại biểu Đinh Xuân Thảo, Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng trước đây Luật không phân định rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước và Quốc hội trong việc thẩm định các điều ước quốc tế, cần làm rõ phạm vi điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Điều ước do Chính phủ, Chủ tịch nước ký kết nếu liên quan đến vấn đề ngân sách thì Quốc hội phải quyết định.
Để đảm bảo tính khả thi, minh bạch và hiệu quả trong việc các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm cho việc thực hiện Luật được rõ ràng, thuận lợi. Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), Hiến pháp là bất khả xâm phạm, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam phải được đảm bảo, điều ước quốc tế phải không phương hại đến các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng điều đáng lưu ý khi nghiên cứu về điều ước quốc tế là có hai quy phạm bắt buộc và tùy nghi. Quy phạm tùy nghi là khuyến cáo các quốc gia tham gia công ước có thể thực hiện hay không thực hiện. Chỉ những quy phạm bắt buộc mới phải thực hiện khi tham gia. Cần lưu ý quy trình và việc bảo lưu để không phương hại đến các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Ngoài phạm vi các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật quy định Quốc hội phê chuẩn "điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội", các đại biểu cho rằng đây là vấn đề mới, có liên quan đến tính hợp hiến, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần được cân nhắc kỹ về mặt thẩm quyền. Quốc hội phê chuẩn việc sửa đổi điều ước quốc tế do chính Quốc hội phê chuẩn – đại biểu Nguyễn Hồng Sơn nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất thống nhất giao cho Bộ Tư pháp thẩm tra các điều ước quốc tế và việc thực hiện các điều ước quốc tế để đảm bảo hợp hiến, hợp lý.
Bảo vệ sản xuất trong nước Đồng tình với sự cần thiết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đại biểu cho rằng đây là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO. Việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và cũng là công cụ thuận lợi để Việt Nam tranh thủ các nguồn hỗ trợ và tăng cường năng lực thực thi của Việt Nam, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước.
Đa số đại biểu đồng tình cho rằng Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO đã được Quốc hội phê chuẩn bằng Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006, nay bổ sung Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO thì việc chấp thuận hiệu lực của Nghị định thư sửa đổi phải được Quốc hội phê chuẩn. Có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát các cam kết chưa được hướng dẫn cụ thể để Quốc hội xem xét. Có ý kiến đồng tình với Chính phủ cho rằng hầu hết các nghị định đã đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật nhưng có cam kết cần phải quy định cụ thể hơn và nhất trí để Quốc hội giao cho Chính phủ rà soát các cam kết này.
Nhiều ý kiến nhận định các nước tham gia công ước quốc tế đều dùng hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, cần phải xem việc phê chuẩn sửa đổi, bổ sung các điều ước quốc tế có phương hại gì không; trong trường hợp cho phép bảo lưu để bảo vệ sản xuất tiêu dùng trong nước cần sử dụng quyền bảo lưu, một mặt tham gia điều ước quốc tế nhưng mặt khác phải bảo vệ được chủ quyền, bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) bày tỏ: Cuộc chiến hiện nay là hàng rào kỹ thuật, điều này Việt Nam vô cùng yếu. Làm thế nào để bảo vệ hàng hóa trong nước, đủ năng lực phát hiện là phá giá, đó là vấn đề không đơn giản, không còn nằm ở hàng rào thuế quan nữa.
Theo các đại biểu, Việt Nam đang được lợi khi sửa đổi Nghị định thư. Mặc dù chưa phê chuẩn nhưng Việt Nam đã được hỗ trợ theo Nghị định thư sửa đổi về thủ tục hải quan, về thuế, nằm trong nguồn hỗ trợ của WTO. Nếu nước ta sớm phê chuẩn thì sẽ được hỗ trợ sớm hơn về mặt kỹ thuật. Việt Nam cùng lúc thực hiện cam kết nhiều điều ước quốc tế, khi không phê chuẩn thì Nhà nước vẫn phải thực hiện minh bạch pháp lý, đảm bảo môi trường kinh doanh lâu bền theo Hiến pháp, theo luật doanh nghiệp mới, không gây áp lực với Nhà nước khi ký kết Nghị định thư sửa đổi.
Băn khoăn Chính phủ chưa có giải trình cụ thể về cơ chế quản lý, các pháp luật liên quan, những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị Chính phủ có báo cáo các giải pháp cụ thể khắc phục những vấn đề này và báo cáo khi thực hiện các cam kết sẽ tác động đến xã hội như thế nào để đại biểu Quốc hội hiểu và nắm được. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn về thẩm quyền phê chuẩn Nghị định thư. Bởi, theo Hiến pháp và Luật hiện hành, Nghị định thư có thể do Chủ tịch nước phê chuẩn, nếu tạo ra thông lệ thì số lượng văn bản điều chỉnh điều ước quốc tế trình ra Quốc hội phê chuẩn sẽ quá lớn.
Các đại biểu đồng tình với đề nghị của Chính phủ, không lập cơ quan riêng mà giao cho Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổ chức thực hiện vấn đề này.