AEC hứa hẹn kỷ nguyên mới

Sau 13 năm kể từ khi đưa ra ý tưởng thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đang chuẩn bị bước sang một chương mới trong lịch sử 48 năm hình thành và phát triển của mình.

Ngày 31/12, ASEAN sẽ chính thức thành lập AEC với kỳ vọng tạo dòng chảy ngày càng tự do hơn về dịch vụ, đầu tư, lao động lành nghề và vốn, cũng như đảo ngược tình trạng thương mại giảm sút thông qua việc xây dựng một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất.

Công nhân Indonesia làm việc tại nhà máy sản xuất giày ở Tangerang. Ảnh: AFP-TTXVN

Với việc thành lập AEC, ASEAN hy vọng sẽ giúp thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động thương mại của các nước trong hiệp hội, gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Philippines và Lào, vốn đang chững lại trong thời gian gần đây.

Tờ "Financial Times" (Thời báo Tài chính) của Anh dẫn nhận định của các chuyên gia nước này cho rằng tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong những năm vừa qua chưa xứng với tiềm lực. Từ tháng 7/2014 tới nay, hoạt động thương mại trong ASEAN giảm theo tháng. Mặc dù thương mại toàn cầu cũng đi xuống kể từ tháng 6/2013, song xét tương quan thì thương mại trong nội khối (ASEAN) giảm mạnh hơn so với thương mại toàn cầu.

Sự hội nhập khu vực còn yếu được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng yếu kém đáng thất vọng nói trên. Giới quan sát cho rằng về cơ bản, AEC được thành lập cũng là nhằm khắc phục điểm yếu này. Nhà kinh tế Joseph Incalcaterra thuộc ngân hàng HSBC tại Hong Kong nhận định rằng các nền kinh tế thành viên ASEAN đang tăng trưởng dưới tiềm năng.

Tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN trong GDP toàn cầu hiện chỉ khoảng 3,2%, trong khi dân số chiếm 8,7% dân số toàn cầu. Việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng còn hạn chế là nhân tố cản đường chủ yếu, trong khi sự khác biệt về mặt chế độ chính trị là chướng ngại vật không nhỏ.

Tuy nhiên, viễn cảnh tươi sáng mà AEC mang lại là nếu ASEAN có thể trở thành một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, ASEAN chắc chắn sẽ thu hút nhiều đầu tư từ các công ty trên toàn cầu muốn tranh thủ khai thác và tiếp cận thị trường 625 triệu dân này.

Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy thương mại nội khối, đồng thời làm gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Sáu nước lớn nhất trong ASEAN, gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam, hiện mới chỉ dành trung bình khoảng 26% GDP cho đầu tư. Đầu tư ở mức thấp là một trong những lý do chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng tại một số nước có tốc độ tăng dân số nhanh như Indonesia và Philippines.

Theo đánh giá của các nhà phân tích tại Anh, có lẽ triển vọng trong tầm nhìn AEC sắp trở thành hiện thực là tự do hóa thương mại. Tới năm 2010, khoảng 99% hàng hóa trong danh mục miễn thuế của sáu nước thành viên ban đầu đã được dỡ bỏ thuế nhập khẩu. Bốn nước gia nhập sau có thêm thời gian đến năm 2016 để dỡ bỏ hoàn toàn thuế này.

Nhịp độ dỡ bỏ thuế quan trong khu vực nhìn chung được đánh giá khá tích cực. Thương mại nội khối ASEAN hiện chiếm khoảng 25% tổng thương mại của khu vực, song rõ ràng tỷ trọng này sẽ tăng lên một khi các rào cản thuế quan được gỡ bỏ.

Thương mại trong lĩnh vực dịch vụ là một điểm nhấn nữa của AEC. Với mục tiêu triển khai 11 gói tự do hóa dịch vụ, chín trong gói này đã được hoàn tất, hai gói còn lại dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay và năm tới. Theo ngân hàng HSBC, mặc dù nhịp độ tăng trưởng thương mại dịch vụ có phần chậm lại, song tỷ trọng thương mại dịch vụ trong tổng thương mại của Hiệp hội này đã tăng từ 14% năm 2006 lên 20% năm 2015.

Tuy vậy, hội nhập tài chính mới chỉ ở giai đoạn phôi thai. Khung hội nhập ngân hàng (ABIF), với mục tiêu tiến tới tự do hóa lĩnh vực ngân hàng trên toàn khu vực vào năm 2020, vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Diễn đàn các Thị trường vốn (ACMF) cũng vậy; mục tiêu của sáng kiến này là phối hợp hạ tầng thị trường vốn trên toàn khu vực, song tới nay mới chỉ có Singapore, Malaysia và Thái Lan hưởng ứng.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện các mục tiêu của AEC là sự khác biệt không nhỏ về trình độ phát triển kinh tế và chế độ chính trị giữa các nước thành viên. Một trở ngại nữa là việc thiếu năng lực quản lý hành chính. Điều này cũng dễ hiểu khi mà ngân sách hàng năm của Ban Thư ký ASEAN khá "khiêm tốn", chẳng hạn ngân sách năm 2014 chỉ khoảng 17 triệu USD.

Nhà kinh tế Gareth Leather thuộc Capital Economics cho rằng để đạt được mục tiêu đã đề ra, AEC cần phải vượt qua một số rào cản, trong đó phải kể tới như “truyền thống” của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên, thiếu chế tài phạt các bên không tuân thủ, hay chi phí vận tải trong hoạt động thương mại giữa hầu hết các nền kinh tế thành viên vẫn tương đối lớn.

Giới phân tích lưu ý rằng AEC không phải là điểm tựa duy nhất để ASEAN tiến tới một tương lai hội nhập hơn. Ngoài AEC, ASEAN còn tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN như Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei cũng là các thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bên cạnh đó, mặc dù còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua trong bước đường đưa ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, song các nhà kinh tế tin tưởng rằng cho dù tiến trình thực hiện các mục tiêu của AEC có thể chậm lại thì triển vọng của AEC vẫn rất tích cực.

Indonesia cần xác định chiến lược hội nhập khu vực phù hợp

“Indonesia cần chuẩn bị cho hội nhập xuyên biên giới” là tiêu đề cũng là nội dung chính bài viết của tác giả Yosua Nainggolan, chuyên gia của Cơ quan Giám sát dịch vụ tài chính Indonesia (OJK), trên tờ “Jakata toàn cầu” số ra mới đây đánh giá về tiến trình hội nhập khu vực liên quan đến việc thành lập Cộng đồng ASEAN.

Trong bài viết, chuyên gia Nainggolan nhận định nếu như 15 năm trước đây, các nước ASEAN vẫn còn e ngại với thuật ngữ "toàn cầu hóa" với ý tưởng về một sân chơi thống nhất về thương mại - kinh tế, thì hiện tại, các quốc gia thành viên đang hướng đến biểu ngữ "hội nhập" - một phiên bản nhỏ hơn và được cho là phiên bản trước của “toàn cầu hóa”.


Là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) quy tụ các nước thành viên có "tư duy toàn cầu" và "phát triển thịnh vượng trong khu vực". Sáng kiến này cùng với vô số sáng kiến nhỏ kèm theo được đề ra với mục đích biến Đông Nam Á thành một trung tâm kinh tế mạnh, phát triển thịnh vượng và sẽ tỏa sáng trên trường thế giới.

Về lý thuyết, mục tiêu này hoàn toàn có ý nghĩa thiết thực khi mà Đông Nam Á có đầy đủ điều kiện cần thiết để trở thành một nhân tố lớn trên thế giới. Đông Nam Á là một trung tâm thương mại phát triển, sở hữu lượng dầu mỏ và khoáng sản lớn, có các trung tâm sản xuất công nghiệp thực sự, chưa kể đến khu vực này đang có dân số vàng mà nhiều nước phát triển đang khao khát. Do đó, một khu vực Đông Nam Á hội nhập sẽ trở thành một "người chơi" thế lực.

Tuy nhiên, chuyên gia Nainggolan cho rằng sự hội nhập này là một sự toàn cầu hóa ở một quy mô nhỏ hơn, và do đó nhiều khả năng sẽ khiến nguy cơ cạnh tranh giữa các quốc gia vẫn tồn tại. Một quốc gia tiến bộ với nền kinh tế hiệu quả hơn sẽ tận dụng và khai thác lợi thế về nguồn lực của quốc gia láng giềng kém phát triển hơn.

Đối với Indonesia, quốc gia "vạn đảo" này nghiêng nhiều hơn về vế sau của câu chuyện, chẳng hạn như trên thị trường vốn. Indonesia hiện có thể trở thành nước có nhiều nhà đầu tư ra nước ngoài nhất khi chứng kiến dòng vốn ồ ạt chảy ra ngoài, tìm đến các nhà quản lý tài chính tốt và có thương hiệu hơn ở Malaysia và Singapore.

Dưới góc độ của nhà đầu tư, xu hướng này không hoàn toàn xấu. Hội nhập khu vực là cần thiết cho ASEAN để cạnh tranh trên toàn cầu, nhưng cần lưu ý rằng hội nhập khu vực có thể khiến một số ngành công nghiệp trong nước trở thành “cây cảnh”. Chính phủ Indonesia, các nhà quản lý thị trường và các ngành công nghiệp nhận ra rằng ưu tiên hiện nay là xác định các điều kiện tiên quyết để tham gia bất kỳ nỗ lực hội nhập nào.

Tuy nhiên, trong quá khứ, Indonesia đã luôn yêu cầu các điều kiện tiên quyết rất cao như một công cụ bảo hộ và "tấm khiên" che chắn trước hội nhập. Do đó, Indonesia phải xây dựng ngành công nghiệp trong nước với các mục tiêu phát triển thực tế để hưởng lợi từ hội nhập.

Xác định và đáp ứng được các điều kiện này không phải là nhiệm vụ đơn giản, trước hết Indonesia cần phải phân tích thấu đáo các điều kiện hiện tại của khu vực, nơi đang chứng kiến sự bất lợi trong việc phải thay đổi chỉ trong một vài năm để thích nghi với sự cạnh tranh quá lớn.

Sau đó, Indonesia cần phải xác định được các lĩnh vực chiến lược phù hợp để tập trung nỗ lực giành lợi thế trong những lĩnh vực đó. Với nhận thức cần phải tiến hành quá trình hội nhập thành công, Indonesia cần phải chấp nhận những điểm yếu khi hội nhập và phát huy những điểm mạnh của mình.

TTXVN/Tin Tức
Brunei, Campuchia nỗ lực chuẩn bị cho AEC
Brunei, Campuchia nỗ lực chuẩn bị cho AEC

Campuchia đã đạt được những tiến bộ và chuyển biến kinh tế mạnh mẽ trong hai thập kỷ gần đây và đang hoàn thiện các bước chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong khi Brunei đã và đang đẩy mạnh cải cách để đón đầu những cơ hội và thách thức mà AEC mang lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN