Các nước hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân Iran

Một ngày sau khi nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, các nước châu Á và châu Đại Dương đã có phản ứng tích cực về sự kiện này.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 15/7, chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tích cực hỗ trợ các công ty nước này thâm nhập thị trường Iran. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Tài chính nhận định khi các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ, các công ty Hàn Quốc sẽ có thể mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, công nghệ thông tin và viễn thông, lương thực và văn hóa. Bộ thông báo sẽ thành lập một trung tâm hỗ trợ các công ty Hàn Quốc mong muốn làm ăn với Iran để cung cấp thông tin quan trọng và cần thiết về thị trường này.

Ngoài ra, Seoul cũng sẽ tìm cách ký kết các thỏa thuận liên quan đến vận tải hàng hóa bằng tàu biển, mở rộng hợp tác hải quan song phương để tăng cường thương mại, ký kết các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ ở cấp chính phủ và cơ quan nhà nước nhằm giúp các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc thiết lập quan hệ với các đối tác Iran. Bộ Tài chính Hàn Quốc cam kết theo dõi chặt chẽ việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế để có thể có những kế hoạch phù hợp nhằm hỗ trợ các công ty tốt hơn.

Người dân Iran đổ ra các đường phố ở Tehran mừng chiến thắng sau khi nước này và P5+1 đạt thỏa thuận. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Australia Tony Abbott tỏ ra thận trọng khi hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1. Thủ tướng Abbott cho rằng thỏa thuận này nên buộc Iran phải dừng hoàn toàn, không nên chỉ là hạn chế trong việc có được các vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang. Trước đó, Thư ký đối ngoại của Quốc hội Australia Steve Ciobo cho biết Chính phủ liên bang nhận định thỏa thuận hạt nhân Iran là một bước tiến nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Tehran và đây là một kết quả tích cực dựa trên nỗ lực của hai năm qua.

Tại New Zealand, Ngoại trưởng Murray McCully cho rằng thỏa thuận lịch sử trên là bước phát triển tích cực cho sự ổn định khu vực ở Trung Đông, đồng thời sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa New Zealand và Iran. Ông McCully nhấn mạnh trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hiện nay, New Zealand sẽ làm bất cứ điều gì có thể để xúc tiến các hành động cần thiết của HĐBA và kêu gọi các bên thực thi thỏa thuận sớm nhất có thể.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân lịch sử trên, và đánh giá cao vai trò của đối thoại hòa bình trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng. Ông Swarup nhấn mạnh: “Ấn Độ luôn quan niệm vấn đề (hạt nhân) phải được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại bằng cách tôn trọng quyền của Iran được sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, trong khi ủng hộ sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về bản chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của Iran”.
 
Bộ Ngoại giao Singapore cũng ra tuyên bố hoan nghênh các nỗ lực hết mình của các bên tham gia đàm phán, đồng thời cho rằng việc thực thi thỏa thuận vừa đạt được sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng. Bộ trên kêu gọi tất cả các bên tuân thủ các cam kết của mình và sớm thực thi thỏa thuận. Tuyên bố nhấn mạnh điều này sẽ có lợi cho tất cả các bên cũng như cộng đồng quốc tế.

Về phần mình, Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Khalifa Bin Al-Nahyan đã gửi thư chúc mừng tới Tổng thống Iran Hassan Rouhani, bày tỏ hy vọng thỏa thuận hạt nhân vừa ký kết sẽ góp phần đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực. UAE hy vọng mở rộng quan hệ kinh tế song phương với Iran sau khi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được dỡ bỏ hoàn toàn.

Saudi Arabia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bản thỏa thuận lịch sử nói trên, đồng thời nhấn mạnh cần các cơ chế thanh sát nghiêm ngặt đối với tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran và nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt ngay khi Iran vi phạm thỏa thuận. Saudi Arabia coi Iran là một nước láng giềng và muốn cải thiện quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực "dựa trên quan hệ láng giềng tốt và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".

Liban hoan nghênh thỏa thuận và bày tỏ hy vọng văn bản này sẽ tác động tích cực đến tình hình tại Trung Đông, đặc biệt là sẽ giúp giảm căng thẳng và tăng cường ổn định, hòa bình. Afghanistan cũng ra tuyên bố chúc mừng và khẳng định.

TTXVN/Tin tức
EU kéo dài lệnh tạm dừng trừng phạt đối với Iran
EU kéo dài lệnh tạm dừng trừng phạt đối với Iran

Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định kéo dài lệnh tạm ngừng trừng phạt đối với Iran thêm 6 tháng, tức đến ngày 14/1/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN