EU kéo dài lệnh tạm dừng trừng phạt đối với Iran

Ngày 15/7, sau khi Iran và Nhóm P5+1 (bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của nước này, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định kéo dài lệnh tạm ngừng trừng phạt đối với Iran thêm 6 tháng, tức đến ngày 14/1/2016.

Theo thông báo từ Hội đồng EU, các biện pháp hạn chế mà EU thông qua trong Kế hoạch hành động chung với Iran ngày 24/11/2013 sẽ được tiếp tục tạm ngừng trong 6 tháng tới, nhằm cho phép EU tiến hành các công tác chuẩn bị cần thiết cho triển khai một kế hoạch hành động toàn diện mới. Đây đã lần thứ năm kể từ cuối tháng Sáu, EU gia hạn lệnh tạm ngừng trừng phạt Iran để hỗ tợ cho quá trình đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1, song ở tất cả các lần trước thời hạn chỉ được kéo dài thêm 3 ngày.

Liên quan đến thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran đạt được ngày 14/7 tại Vienna (Áo), Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết văn kiện sẽ được công bố trong vài ngày tới đây và đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA), thỏa thuận bao gồm một văn kiện thỏa thuận chính cùng năm phụ lục kỹ thuật về vấn đề hạt nhân, biện pháp trừng phạt, hợp tác hạt nhân dân sự, thành lập ủy ban chung và trình tự triển khai thỏa thuận. Bà cũng nhấn mạnh nghĩa vụ của Iran không được cố gắng chế tạo, phát triển và mua vũ khí hạt nhân.

Người dân Iran mang theo quốc kỳ xuống đường phố mừng thỏa thuận lịch sử. Ảnh: Reuters


EU sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng kinh tế đối với Iran ngay khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận nước này đã thực hiện các nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực hạt nhân. Các biện pháp đó từng hạn chế giao dịch tài chính của các cá nhân và tổ chức Iran có trên trong "danh sách đen", cấm buôn bán dầu, khí đốt, công nghệ và thiết bị khai thác, chế biến dầu, cấm các doanh nghiệp phương Tây đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của Iran. EU cũng sẽ cho phép Tehran thực hiện các giao dịch ngân hàng, mở chi nhánh ngân hàng trên lãnh thổ EU, dỡ bỏ mọi hạn chế tín dụng và đầu tư. Lĩnh vực đóng tàu và giao thông hàng hải của Iran cũng được tháo dỡ mọi hạn chế.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 14/7, Canada tuyên bố sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt Iran bất chấp thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1.

Bộ Ngoại giao Canada ra tuyên bố đánh giá cao nỗ lực của P5+1 để đạt được thỏa thuận, tuy nhiên khẳng định sẽ “tiếp tục đánh giá Iran bằng hành động, không phải bằng lời nói” và Chính phủ Canada sẽ xem xét thỏa thuận một cách kỹ lưỡng trước khi có bất kỳ thay đổi chính sách nào với Iran. Điều này có nghĩa Canada sẽ từ chối tham gia tiến trình cải thiện quan hệ với Iran mà các đồng minh bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và EU đặt ra. Tuyên bố của Bộ ngoại giao Canada cũng nhấn mạnh nước này tiếp tục ủng hộ nỗ lực của IAEA nhằm giám sát sự tuân thủ của Iran đối với các cam kết.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu đồng ý một loạt biện pháp nới lỏng kinh tế cho Iran, lệnh trừng phạt của riêng Canada sẽ không có tác động đáng kể tới nền kinh tế Iran.

Tổng thống Iran tuyên bố thỏa thuận sẽ mở ra “một chân trời mới” trong quan hệ giữa nước này với cộng đồng quốc tế. Ảnh: AFP/TTXVN


- Cũng liên quan đến thỏa thuận lịch sử giữa Iran và P5+1, Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 14/7 bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận hạt nhân đạt được tại Vienna (Áo) sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và giúp loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, tại Trung Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Badr Abdel-Atty nhấn mạnh rằng nước này hy vọng thỏa thuận nói trên sẽ mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Atty cho biết Cairo chờ nhận được toàn văn thỏa thuận hạt nhân Iran trước khi tiến hành đánh giá kỹ, đồng thời hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ phù hợp với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Bộ Ngoại giao Argentina đã ra tuyên bố bày tỏ “hài lòng” kết quả các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) về chương trình hạt nhân của Iran, coi đây là giải pháp toàn diện, góp phần vào việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo an ninh thế giới.

Chính phủ Argentina khẳng định chính sách nhất quán ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, tuy nhiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng và phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trên thế giới không có sự phân biệt giữa các quốc gia. Buenos Aires cũng cho rằng đối thoại và đàm phán ngoại giao là công cụ tốt nhất để tìm ra một giải pháp dài lâu và hiệu quả cho những bất đồng.

Chính phủ Brazil cũng bày tỏ vui mừng trước sự kiện này. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Brazil nêu rõ nước này luôn ủng hộ mọi nỗ lực ngoại giao trong vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran, cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa cộng đồng quốc tế với Tehran.

TTXVN/Tin tức
Người Iran ăn mừng thỏa thuận lịch sử
Người Iran ăn mừng thỏa thuận lịch sử

Hàng nghìn người dân Iran tối 14/7 đã đổ ra khắp đường phố trên cả nước reo hò ăn mừng thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa quốc gia này với nhóm P5+1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN