Hiệp định EVFTA - Bài 2: Giải pháp về nguồn cung nguyên liệu

Mặc dù cơ hội mà EVFTA mang lại cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn nhưng cơ hội đó chỉ dành cho những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các cam kết về chất lượng, xuất xứ cũng như các tiêu chí phát triển bền vững.

Do đó, con đường duy nhất để doanh nghiệp khai thác hiệu quả các ưu đãi là tập trung nâng cao nội lực cho doanh nghiệp, ngành hàng bằng việc chủ động nguồn cung nguyên liệu sản xuất và khả năng hội nhập. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH TV Panko Vina, Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội da giày TP Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng 2 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu giày dép vào EU có xu hướng gia tăng và chiếm khoảng % tổng giá trị xuất khẩu. Việc thực thi EVFTA với ưu đãi xóa bỏ đa số dòng thuế quan ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại cũng được cắt giảm theo lộ trình 3 - 7 năm chính là cơ hội lớn để ngành da giày Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng thị phần tại thị trường EU.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành da giày hiện nay là thiếu nguyên liệu trong nước và nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, hiện nay, 75% giá trị xuất khẩu giày da vẫn đang thuộc nhóm doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm. Hầu hết, doanh nghiệp da giày trong nước là đơn vị gia công, chỉ làm thợ và phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,7 tỷ USD nguyên liệu da thuộc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Brazil…

Trong khi sản xuất thuộc da đóng vai trò quan trọng trong sản xuất giày da nhưng việc phát triển các nhà máy thuộc da ở Việt Nam rất khó khăn, một phần do không có đủ nguồn vốn và phần khác là khó đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Thêm vào đó, hơn 85% doanh nghiệp da giày Việt Nam là làm gia công, có tỷ suất lợi nhuận rất thấp không đủ khả năng để đầu tư vào máy móc công nghệ, nhiều nhà máy vẫn đang sử dụng dây chuyền sản xuất của những năm 1990. Chỉ có một vài doanh nghiệp lớn có nguồn lực đầu tư cho công nghệ, chủ động sản xuất và xuất khẩu đạt được lợi nhuận tương đối cao.

Chính vì vậy, muốn đảm bảo nguyên tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi từ EVFTA, trước mắt các doanh nghiệp da giày cần chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu trong khối EU để đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu nội khối. Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch các cụm công nghiệp sản xuất thuộc da và nguyên phụ liệu ngành da giày cũng như tập hợp các doanh nghiệp thành cụm công nghiệp tập trung nhằm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp.

“Chỉ khi giải quyết được bài toán nguyên liệu sản xuất và liên kết chuỗi một cách chặt chẽ mới khắc phục được các điểm yếu do sản xuất quy mô nhỏ của  các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam. Từ đó, nâng cao khả năng đáp ứng các đơn hàng số lượng lớn và tận đụng hiệu quả ưu đãi về thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.

Tương tự như da giày, khả năng cung ứng nguyên phụ liệu cũng chính là thách thức lớn nhất trong việc tận dụng ưu đãi từ EVFTA của các doanh nghiệp ngành dệt may hiện nay. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, vấn đề lớn của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, rất ít doanh nghiệp chủ động được nguồn cung nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ nội khối để được hưởng ưu đãi thuế. Thực tế phần lớn doanh nghiệp trong ngành dệt may chỉ thực hiện công đoạn may gia công mà không tham gia vào các công đoạn dệt, nhuộm vải hay thiết kế sản phẩm.

Chính vì vậy, hàm lượng nội địa của sản phẩm dệt may rất thấp và doanh nghiệp Việt Nam cũng không được hưởng nhiều lợi ích về mặt giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Một nguy cơ khác là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ và thay đổi từng ngày thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ với việc thay đổi công nghệ, ỷ lại vào nguồn lực nhân công. Điều này nếu không nhanh chóng cải thiện sẽ khiến doanh nghiệp Việt bị bỏ lại trong cuộc đua nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và chi phí sản xuất.

Để khai thác tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại, ông Vũ Đức Giang cho rằng cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng vào cuộc; trong đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu. Đặc biệt, phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với doanh nghiệp may mặc tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Về phía doanh nghiệp, phải chủ động đầu tư cho con người, máy móc và công nghệ hướng tới hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm và nâng cao năng suất và cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Chỉ khi chủ động tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao thì doanh nghiệp Việt Nam mới được hưởng lợi thực sự từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, EU là thị trường truyền thống quan trọng của thủy sản Việt Nam nhưng cũng đồng thời là thị trường có những yêu cầu khắt khe về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là thị trường đề cao các tiêu chí về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội phục vụ sự phát triển bền vững, do đó, nếu EVFTA đi vào thực thi mà doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ càng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thì những ưu đãi về mặt thuế quan cũng trở nên vô nghĩa.

Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản đã chủ động nỗ lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tuân thủ việc đánh bắt hợp pháp để đón đầu cơ hội vận dụng tốt ưu đãi ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh phân tích, với việc tham gia nhiều FTA thế hệ mới, toàn diện, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Điều này đem lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng cũng tạo ra không ít áp lực về mặt cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp không chủ động thích ứng sẽ không thể tồn tại, vì vậy mỗi doanh nghiệp phải tự thân vận động, nâng cao trình độ quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới sản xuất minh bạch, đổi mới công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định; đồng thời, nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, năng lực thật sự của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với doanh nghiệp quốc tế, điều kiện tiếp cận các phương thức hỗ trợ về tài chính, về công nghệ so với doanh nghiệp nước ngoài cũng khó khăn hơn. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện thêm về môi trường pháp lý, đầy đủ và minh bạch nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh nhận định, các nước EU đã phát triển từ lâu và có hệ thống tiêu chuẩn cao trong khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển thì việc đáp ứng các yêu cầu của EU đối với một số ngành hàng sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu.

Mặt khác, nội dung cam kết về điều kiện áp dụng, lộ trình cắt giảm các loại thuế quan trong EVFTA là rất đa dạng và khác nhau đối với từng ngành hàng. Vì vậy, rất khó để có giải pháp chung cho tất cả các ngành hàng mà mỗi doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, tra cứu và nghiên cứu những nội dung liên quan đến lĩnh vực mà mình đang kinh doanh để có phương án tận dụng hiệu quả.

Xuân Anh  (TTXVN)
Hiệp định EVFTA - Bài 1: Cú hích cho xuất khẩu
Hiệp định EVFTA - Bài 1: Cú hích cho xuất khẩu

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là  hiệp định thương mại tự do được cộng đồng doanh nghiệp Việt mong đợi nhất trong thời điểm hiện nay, bởi đây là khu vực thị trường nhiều tiềm năng và có nhu cầu cao với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN