Lễ hội cầu Mường là một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của người Tày, Đà Bắc. Lễ hội này diễn ra từ khi các dòng họ của người Tày bắt đầu về sinh sống và khai phá đất Mường Xồng, tức Mường Chiềng ngày nay để lập nghiệp.
Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại lễ hội. |
Lễ hội cầu Mường, (tiếng Tày gọi là Cau Mương) được tổ chức vào dịp đầu năm để tưởng nhớ tổ tiên, thành hoàng các họ mạc huyện Đà Bắc đã có công sức khai phá, tạo dựng lên bản, lên Mường, đồng thời bày tỏ sự tôn kính với thần đất, thần nước, thần rừng đã ưu ái tạo mưa thuận, gió hòa cho người dân bản Mường có cuộc sống bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu.
Đặc biệt, lễ hội cầu Mường còn tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn của các dòng họ đang sinh sống trên mảnh đất Mường Chiềng, giúp đồng bào chiến thắng giặc Pháp và tay sai trong những năm kháng chiến. Năm 1953, giặc Pháp càn quét đến Mường Xồng và đã châm lửa đốt nơi tổ chức lễ hội cầu Mường (tức nhà thờ bản Mường của người Tày và các dòng họ tại bản Chum Nưa).
Đến cuối năm 1953, các dòng họ và dân bản Mường đã dựng lại nhà thờ tại xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng. Từ năm 1955, lễ hội cầu Mường kết thúc, cho đến nay, mới được phục dựng lại.