Bài cuối: Thận trọng với chất phụ gia trong thực phẩm
Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, việc sử dụng chất phụ gia luôn được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Lựa chọn thực phẩm an toàn hay bắt mắt?
Mọi thực phẩm đều phải ghi rõ ràng thành phần và các chất phụ gia đã sử dụng. Ảnh: Đỗ Vân |
Khi đi mua kẹo cho con ở siêu thị Intimex (phố Lạc Trung, Hà Nội), chị Phương Liên, nhân viên của Ngân hàng Quân đội đã chọn loại kẹo dẻo có màu hồng và màu cam. Chị Phương Liên giải thích: “Hai cô con gái của tôi chọn đồ ăn gì gì kẹo, bánh đến sữa… cũng chỉ hào hứng với các sản phẩm có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Trẻ con đã đòi thì khó từ chối lắm”.
Phong cách lựa chọn thực phẩm của 2 đứa trẻ nhà chị Phương Liên khác hẳn với những đứa trẻ ở nhiều nước khác. Phóng viên TTXVN tại Australia cho biết, trẻ con ở Australia không được khuyến khích ăn các loại thực phẩm màu mè bắt mắt. Tại các siêu thị hay cửa hàng ăn uống, đồ ăn cho trẻ càng đơn giản, an toàn và chất lượng thì càng đắt khách. Những thứ “sặc sỡ”, đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều chất phụ gia thực phẩm, thường nằm ở những góc “khuyến mại”, “đại hạ giá” mà cũng chỉ thu hút được lác đác khách châu Á. Trẻ con Australia đã được dạy cách lựa chọn thực phẩm an toàn qua màu sắc, mùi vị từ khi còn rất nhỏ. Phong cách ẩm thực an toàn đó sẽ theo trẻ đến hết cuộc đời.
Có khoảng 300 chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng tại Australia. Mặc dù, giới chuyên môn cho rằng, chất phụ gia không phải là vấn đề đáng lo ngại nếu liều lượng sử dụng hợp lý và được kiểm soát chặt chẽ. Các quy định về quản lý các chất phụ gia này tại Australia cũng hết sức nghiêm ngặt, để đảm bảo, nếu một thành phần được chấp thuận sử dụng thì đều đạt an toàn. Nhưng người tiêu dùng thì vẫn thường ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm có ghi “No artificial colours or flavours” (Không chất tạo màu hay mùi) để dùng. Thậm chí, người Australia cũng đã từng kêu gọi cấm chất phụ gia tạo màu sau khi một nghiên cứu cho thấy một số chất tạo màu gây hiện tượng tăng động ở trẻ.
Ý thức của các nhà sản xuất về hóa chất phụ gia cũng rất cao. Lượng chất phụ gia nhà sản xuất có thể đưa vào thực phẩm dựa trên thử nghiệm về mức an toàn và hợp lý không chỉ ở mức độ tiêu thụ bình thường mà còn tính đến sai số “quá liều”. Vì vậy, nhà sản xuất Australia luôn ý thức được rằng dùng gần tới hạn định đã là quá nhiều.
Chú trọng khâu kiểm định và giám sát
Để bảo vệ người tiêu dùng, nhiều tổ chức, hiệp hội ở Australia đã lập hẳn một danh sách phân loại các chất phụ gia được sử dụng, liều lượng bao nhiêu là an toàn để người tiêu dùng làm “cẩm nang bỏ túi” khi đi chợ. Họ ghi cụ thể đến mức loại phụ gia nào dùng cho thực phẩm nào, loại nào không dùng cho trẻ em, loại nào sẽ gây dị ứng, loại nào khi kết hợp sẽ tạo ra nguy cơ gì, loại nào đã có cảnh báo gây ung thư, không nên dùng nhiều cho thanh niên... Tức là họ đã chấp nhận sống chung với phụ gia thực phẩm, nhưng có kiểm soát.
Với 25 năm sống và làm việc tại thủ đô Mátxcơva của Liên bang Nga, chị Phạm Thanh Xuân, Trưởng ban phụ nữ, trẻ em và gia đình (thuộc Hội người Việt tại Nga) cho biết: Giới kinh doanh ở Nga chấp hành rất nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ không bao giờ bán hàng chưa kiểm định chất lượng cho người tiêu dùng, bởi nếu họ làm như vậy thì các cơ quan chức năng sẽ lập tức rút giấy phép kinh doanh của họ.
Anh Nguyễn Đình Hoàng, thành viên Hội Khoa học Kỹ thuật của người Việt Nam tại Nga, đồng thời là chủ một nhà hàng chuyên bán đồ ăn Việt tại Nga khẳng định, các nhà hàng ở Nga được kiểm soát chặt chẽ từ khâu cấp giấy phép kinh doanh cho đến việc kiểm định kiểm định chất lượng thực phẩm. Thậm chí, ngay cả nguồn nước sử dụng tại nhà hàng cũng phải được kiểm tra chất lượng.
Đỗ Vân - Quế Anh