Mục đích để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết 30.000 tỷ đồng của toàn bộ Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh việc cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận vốn ưu đãi để cải thiện về chỗ ở. Cụ thể, bổ sung thêm ngân hàng cho vay, nâng tổng số ngân hàng cho vay lên 19 ngân hàng; theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện, chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý khó khăn vướng mắc liên quan đến đối tượng, thủ tục xác nhận, điều kiện vay vốn.
Một góc dự án nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian cho vay lên tối đa 15 năm, hàng năm xác định và công bố lãi suất ở mức ưu đãi nhất có thể dành cho người tham gia chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, kịp thời trả lời vướng mắc của doanh nghiệp, người dân.
Đặc biệt từ đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác truyền thông về thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn đã được quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với nỗ lực của các ngân hàng thương mại, tốc độ triển khai của chương trình ngày càng được đẩy nhanh hơn và đạt được những kết quả tích cực. Chính sách đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa m ạnh mẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục, giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong thời gian qua, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ gia đình khó khăn về nhà ở c ải thiện về chỗ ở…
Tính đến 10/3/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua t heo dõi tình hình thực hiện và phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua, nhiều cá nhân và hộ gia đình vay vốn từ chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã lo lắng về việc phải trả lãi suất vay thương mại đối với phần vốn giải ngân sau ngày kết thúc chương trình.
Về vấn đề này, khi ban hành chính sách , Ngân hàng Nhà nước đã tính toán và cân nhắc kỹ thời gian hỗ trợ tái cấp vốn tối đa 36 tháng (chậm nhất 1/6/2016). Đến nay, qua thực tế triển khai cho thấy, thời điểm thực hiện Chương trình đã được tính toán phù hợp, đạt được các mục tiêu đã đề ra.
“Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh nguyện vọng của người dân, ý kiến của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản, cũng như cân đối hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để dành sự hỗ trợ tối đa của Chương trình cho những người dân", Thông cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó , Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 25/2015/TT-NHNN và có chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ vốn đối với những người dân chưa được vay vốn ưu đãi từ Chương trình 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc chăm lo, cải thiện điều kiện về chỗ ở cho người dân.