Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, 6 tháng cuối năm nay, kinh tế trong nước sẽ tiếp tục phát triển nhưng không đột phá và vẫn gặp nhiều thách thức. Để kinh tế phát triển ổn định cần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thực hiện hàng loạt giải pháp khác.
Phục hồi nhưng chưa vững chắc
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và tin học ứng dụng, kết quả tăng trưởng GDP 5 tháng đầu năm cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô có sự tiến triển tốt nhờ lạm phát được kiểm soát, lãi suất cho vay thấp và ổn định… Điều này chứng minh chính sách ổn định vĩ mô của Chính phủ đã thành công.
Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Tuy nhiên, cũng theo ông Hiển, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn, sức mua yếu, hàng tồn kho giảm chậm… Hiện nay, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) này vẫn gặp nhiều khó khăn về tín dụng, tiêu thụ hàng hóa.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ khó đạt mục tiêu năm 2014. Cụ thể tăng trưởng GDP năm nay có thể sẽ tăng 5,71% (biến thiên trong khoảng tin cậy từ cận dưới 5,35% tới cận trên 6,07% với độ tin cậy 80%) và sẽ dần hồi phục lên mức 5,98% trong năm 2015. Còn theo dự báo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tăng trưởng GDP năm nay chỉ có thể phát triển 4,5%. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014, đã được Chính phủ công bố từ cuối năm 2013, là sẽ ở mức 5,8%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, GDP là thước đo “sức khỏe” của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ năm nay đã đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức trung bình để có những dư địa trong tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng với những dự báo trên thì GDP có thể suy giảm, điều này đồng nghĩa nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một nguy cơ tăng trưởng chậm lại, thậm chí thiểu phát. Theo đó, nhiều chuyên gia đòi hỏi phải có sự kích cầu mạnh hơn nữa trong nền kinh tế.
Hỗ trợ vốn cho DNVVN
Trước tình hình trên, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu 6 tháng cuối năm tập trung vào đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, huy động mọi nguồn lực và khuyến khích đầu tư xã hội; xử lý nợ xấu và khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; kiểm soát tốt các thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán... Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực; thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, cần nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, tức là chấp nhận “hi sinh” GDP, thậm chí chấp nhận tăng trưởng dưới 5% hoặc 5%. Cụ thể, thay vì tăng trưởng nhờ những dự án lớn, những công trình đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn như hiện nay thì nên tập trung cho việc tăng trưởng từ xuất khẩu, nông nghiệp hoặc theo kinh tế nội địa, có như vậy các DNVVN cũng sẽ phát triển theo. Từ đó, GDP mới có thể tăng trưởng và tạo ra được nhiều việc làm. “Do đó, theo tôi trong năm nay chúng ta không thể đẩy mạnh một lúc nhiều mục tiêu. Trước mắt cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng từ lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp để cung ứng và tiêu thụ tại thị trường nội địa”, ông Hiển nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Để có thể tháo gỡ những khó khăn của nền kinh tế, trước nhất là phải ổn định các thị trường như thị trường bất động sản, thị trường xuất nhập khẩu, thị trường chứng khoán, thị trường vàng và ngoại tệ... Cùng với chú trọng tăng trưởng kinh tế thì vấn đề quan trọng là giữ được lạm phát ổn định. Theo đó, phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các DNVVN. Bởi hiện nay, rất nhiều DN đang dựa vào vốn vay để tăng trưởng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước nên có nhiều biện pháp hiệu quả hơn để hỗ trợ việc tăng trưởng tín dụng và một trong những giải pháp đó là tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ DN.
Hải Yên