Tích cực chuyển đổi diện tích sản xuất cây trồng kém hiệu quả

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên bước đầu đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng biện pháp kỹ thuật vào thâm canh cây trồng. Vì vậy, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt không ngừng tăng.

Năm 2011, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt chỉ đạt 73,1 triệu đồng nhưng nay đã tăng lên trên 100 triệu đồng.

Tỉnh Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với trên 40.000 ha, chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp. Năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích rất cao đạt trên 147 triệu đồng. Các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Đắk Lắk cũng đã bước đầu triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
 
Trồng trọt là ngành sản xuất chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp của Tây Nguyên. Chỉ riêng từ năm 2011 trở lại đây, cùng với việc tăng cường đầu tư theo chiều sâu, các tỉnh Tây Nguyên khai thác triệt để tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu và kinh nghiệm sản xuất để phát triển ngành trồng trọt, chủ yếu là cây hàng năm và cây lâu năm.

Hiện đất trồng cây hàng năm của các tỉnh Tây Nguyên đạt hơn 1 triệu ha, chiếm 41,31% tổng diện tích đất trồng trọt toàn vùng, tăng gần 200.000 ha so với năm 2010. Bình quân mỗi năm tăng gần 40.000 ha; trong đó, diện tích đất gieo trồng cây hàng năm tăng nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk, tiếp đến là tỉnh Gia Lai. Giá trị sản xuất cây hàng năm hiện nay của vùng Tây Nguyên đạt trên 51,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,78% giá trị sản xuất ngành trồng trọt toàn vùng.

Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN.

Đối với cây trồng lâu năm toàn vùng có 1,42 triệu ha, chiếm gần 58,7% tổng diện tích trồng trọt, tăng trên 361.000 ha so với năm 2010. Bình quân mỗi năm tăng 72,2 nghìn ha; trong đó, cây cà phê, hồ tiêu là hai loại cây trồng đã khẳng định được ưu thế của vùng cũng như trong ngành sản xuất cà phê, hồ tiêu của Việt Nam và thế giới.

Hiện toàn vùng có diện tích cà phê đạt trên 576,8 nghìn ha, chiếm 89,4% cả nước. Năng suất cà phê robusta của Tây Nguyên cao gấp 3 lần so với năng suất bình quân của thế giới (2,5 tấn/ha so với 0,8 tấn/ha) với sản lượng đạt 1,3 triệu tấn cà phê nhân, chiếm 93,3% cả nước, tổng giá trị thu được trên 2,6 tỷ USD.
 
Cây hồ tiêu toàn vùng có 53,9 nghìn ha, chiếm 55,2% cả nước, với sản lượng đạt 102,3 nghìn tấn, chiếm 60,6% sản lượng của cả nước, tổng giá trị thu được trên gần 1 tỷ USD. Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu nhất so với các địa phương khác trong cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên việc phát triển cây hồ tiêu ồ ạt, vượt quá quy hoạch, trồng ngoài vùng quy hoạch và tâm lý chạy theo năng suất dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên đất, nước…thiếu khoa học, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đe dọa sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu Tây Nguyên…

Ngoài ra, đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của vùng Tây Nguyên đều dưới dạng thô hoặc sơ chế, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn. Giá thành sản xuất cao dẫn đến tính cạnh tranh kém, giá trị gia tăng chưa cao, còn bị ép giá trên thị trường…..

Hiện các tỉnh Tây Nguyên cũng đã chủ động, linh hoạt vận động đồng bào các dân tộc chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, khó tiêu thụ sang các loại cây trồng có thị trường, đem lại thu nhập cao hơn. Hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng thiếu nước, thường hay xảy ra hạn hán sang các loại cây trồng có nhu cầu nước thấp, chịu hạn cao. Ngay tại huyện Ea Kar, Cư M’gar (Đắk Lắk), nhiều nông hộ chuyển diện tích cà phê không chủ động được nguồn nước, thường xuyên bị hạn vào mùa khô sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là bơ sáp, sầu riêng, cam, quýt, nhãn mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây cà phê.

Cùng với đó, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai nhân rộng việc ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để cố gắng tạo giá trị sản phẩm thu được trên từng đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt từ 130 triệu đồng trở lên/ha, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Quang Huy (TTXVN)
Ba nhóm sản phẩm chủ lực được ngành nông nghiệp ưu tiên
Ba nhóm sản phẩm chủ lực được ngành nông nghiệp ưu tiên

Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 5/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017 Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN