Cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ buộc phải thi hành nhiều cam kết với tiêu chuẩn cao; trong đó, đặc biệt đáng quan tâm là cam kết về Chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đây cũng là một vấn nạn mà ngay nhiều nước phát triển trên thế giới có hệ thống kiểm soát tốt cũng đang phải đối mặt.
Để được hưởng các ưu đãi từ TPP, các doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn và phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện cho được các yêu cầu về quy tắc chứng nhận xuất xứ. Ví dụ,TPP yêu cầu hàng may mặc Việt Nam phải được sản xuất từ sợi, do đó phải nhập bông về kéo thành sợi, để dệt ra vải, chứ không thể làm khác.
Việc gian lận chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng không dễ vì các nước nhập khẩu kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh được quy trình sản xuất của mình, có sự giám sát và kiểm tra của các tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Còn doanh nghiệp mua bán hàng hóa ở đâu để xuất khẩu phải xuất trình được chứng nhận thì các tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới xác nhận cho doanh nghiệp.
Do đó, để tránh nguy cơ cao gian lận thương mại ngay từ ban đầu khi doanh nghiệp xin cấp chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần rà soát các mặt hàng có yêu cầu bắt buộc chứng nhận xuất xứ.
Đồng thời tư vấn và hướng dẫn cho các doanh nghiệp để các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất xứ và thực hiện đủ, đúng các quy định, quy trình thủ tục.