Giúp ngành công nghiệp hỗ trợ đón đầu TPP

Việc Việt Nam kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP đã mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ vốn “dậm chân tại chỗ” nhiều năm nay. Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại “Diễn đàn phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/3, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, CNHT trong tiếng Nhật là “Suso-no san-gyuo” có nghĩa là “công nghiệp chân núi”, hàm ý chỉ tầm quan trọng, vị trí nền tảng của ngành này trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, CNHT còn rất yếu.

Nội địa hóa vẫn thấp

Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO), năm 2015, tỷ lệ mua linh phụ kiện tại chỗ (nội địa hóa) của các DN Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam là 32,1%. So với kết quả điều tra của năm 2014 là 33,2% thì không tăng. JETRO cho biết, tỉ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc là 64,7%, Thái Lan là 55,5%, Indonesia là 40,5%, Malaysia là 36,0%. Như vậy, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam là rất thấp.

Tuy nhiên, 32,1% chưa phải là con số cuối cùng. Ông Atsusuke Kawada, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội phân tích thêm: “Mặc dù nói tỉ lệ nội địa hóa của DN Nhật tại Việt Nam là 32,1% nhưng trong đó, tỷ lệ linh phụ kiện mà DN Nhật mua của DN Việt Nam chỉ là 41,2%, còn lại là mua của các DN nước ngoài khác đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này cho thấy, khả năng cung ứng của các DN CNHT Việt Nam cho DN Nhật Bản còn rất ít”.

Doanh nghiệp đầu tư vào CNHT sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, tín dụng.

Theo GS Phan Đăng Tuất (người đã có nhiều năm nghiên cứu và đề đạt các chính sách cho ngành CNHT Việt Nam khi còn giữ chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương), hiện số lượng DN ngành CNHT Việt Nam chỉ là 1.3 DN, chiếm 0,3% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Ông Tuất cho rằng con số này quá nhỏ, không thể cung cấp đủ sản phẩm cho các DN sản xuất trong nước cũng như DN FDI.
“Hiện nay chúng ta đang dấy lên làn sóng ‘Khởi nghiệp - Start up’ nhưng chủ yếu trong lĩnh vực thương mại mà không nhắc đến khởi nghiệp trong ngành CNHT. Các chính sách hỗ trợ cũng chủ yếu tập trung vào các DN đã thành lập và đang hoạt động trong khi cần những chính sách hỗ trợ ngay khi DN còn chưa ra đời”, ông Tuất nhận xét.

Phân tích những tác động của TPP cũng như các FTA thế hệ mới tới ngành CNHT Việt Nam, TS Trương Chí Bình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN ngành CNHT cho biết: “Xuất khẩu các linh kiện, phụ tùng của DN Việt Nam vào các nước TPP hiện đang lớn hơn nhiều nhập khẩu. Do đó, TPP sẽ mang lại cho ta nhiều cơ hội xuất khẩu hơn khi các hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ. Đây là cơ hội để các DN CNHT tăng tốc phát triển”.

Gỡ điểm nghẽn tài chính cho DN

Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường được thành lập năm 2006 với ngành nghề sản xuất là gia công chi tiết cơ khí chính xác, chế tạo máy móc dây chuyền tự động cho các DN FDI tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật Bản, EU... Mặc dù đã đạt được những thành quả ban đầu với nguồn vốn đầu tư hiện là 75 tỷ đồng nhưng ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc công ty vẫn than thở: Công ty không có mặt bằng sản xuất ổn định và lâu dài, chủ yếu là đi thuê lại với thời hạn hợp đồng ngắn hạn nên không thể đầu tư lâu dài. Hệ thống máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu nhưng công ty cũng không dám đầu tư máy hiện đại vì giá đắt, vay ngân hàng khó khăn và nếu vay được thì lãi suất cao.

Ông Hoàng Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty 4P (Hưng Yên) (chuyên sản xuất, lắp ráp bản mạch điện tử chất lượng quốc tế) đề nghị Nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa DN FDI và DN nội địa. Về tín dụng, ông Trí mong muốn có chính sách lãi suất phân biệt giữa hoạt động đầu tư sản xuất và kinh doanh thương mại, đồng thời có chính sách giúp cho DN bảo toàn vốn đầu tư.

Vấn đề tài chính là khó khăn chung mà nhiều DN CNHT gặp phải do đa phần đều là các DN vừa và nhỏ. Liên quan đến điểm nghẽn này, đại diện phía ngân hàng cho biết đang nghiên cứu đưa ra các giải pháp tín dụng cho các DN CNHT vay với lãi suất thấp hơn 1 - 4% so với lãi suất thông thường. Bà Trần Hồng Anh, đại diện Ngân hàng Vietinbank cho biết: Tính đến tháng 3/2016, dư nợ cho vay ngành công nghiệp chế biến chế tạo của ngân hàng này đã lên đến hơn 135.000 tỷ đồng, trong đó ngành CNHT chiếm trên 10%. Vietinbank đang triển khai cho DN vay tiền đồng nhưng có tham chiếu lãi suất USD để tạo thuận lợi cho DN.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết thêm: Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 và các Thông tư 01/2016/TT-NHNN, Thông tư 21/2016/TT-BTC… đã mở ra rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư vào CNHT. Cụ thể, điểm mới cơ bản nhất là miễn thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp mức 10% trong vòng 15 năm. Ngoài ra, DN còn được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư nhà nước; miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất… Ông Tuấn Anh cũng cho biết, Cục đang vận động thành lập Hiệp hội DN CNHT Việt Nam nhằm kết nối các DN tạo sức mạnh khi hội nhập.
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến sở hữu trí tuệ
Doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến sở hữu trí tuệ

Mặc dù đã hội nhập sâu rộng nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT). Chính vì vậy, nhận thức của xã hội và doanh nghiệp đối với vấn đề này còn nhiều bất cập và nếu không có những biện pháp mạnh thì sẽ rất khó khăn khi tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN