Mới đây nhất, ngày 12/3/2018, Công ty TNHH MTV Hoàng Sang (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cũng tuyên bố vỡ nợ hơn 40 tỷ đồng. Đến nay, chủ doanh nghiệp này là bà Thái Thị An (sinh năm 1973, trú thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã có đơn xin vắng mặt khỏi địa phương để chữa bệnh, đồng thời cam kết sẽ có kế hoạch trả số nợ trên cho người nông dân.
Trở lại với những vụ việc vỡ nợ ký gửi nông sản trước đó, dù đã trải qua hơn một năm, song những người nông dân ký gửi nông sản vẫn chưa nhận được số đã ký gửi. Ông Trần Quốc Cường (sinh năm 1970, trú xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết, gia đình ông ký gửi tiêu và cà phê tại doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh với trị giá khoảng 500 triệu đồng. Thế nhưng, từ khi doanh nghiệp này tuyên bố vỡ nợ vào năm 2016 đến nay, ông vẫn chưa nhận được số tiền cũng như nông sản đã ký gửi.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, người nông dân đang quá “nhẹ dạ cả tin” vào các doanh nghiệp ký gửi nông sản, mà không lường trước được những rủi ro của hình thức này mang lại.
“Hình thức ký gửi nông sản là người nông dân sau khi thu hoạch xong sẽ đi gửi nông sản tươi tại các doanh nghiệp ký gửi nông sản. Các doanh nghiệp này có trách nhiệm phơi sấy, bảo quản cho người nông dân với mức phí cố định do phía doanh nghiệp đưa ra. Đến thời điểm bất kỳ, nếu người nông dân cảm thấy giá nông sản tăng đến mức có thể bán được, họ sẽ đến để cắt giá, và đồng ý bán số nông sản này để lấy tiền. Đây chính là lý do khiến hình thức ký gửi nông sản thu hút được nhiều nông dân tham gia”, ông Long cho biết.
Vấn đề đặt ra là, với một lượng lớn nông sản thu hoạch được ký gửi, các doanh nghiệp làm thế nào để có thể phơi và bảo quản được. Ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thường các loại cây công nghiệp như hồ tiêu hay cà phê được thu hoạch theo mùa vụ. Khi vào mùa, một lượng lớn nông sản được thu hoạch, không có một doanh nghiệp nào có đủ điều kiện sân bãi để phơi sấy cũng như bảo quản nông sản, bởi họ nhận ký gửi ở nhiều địa bàn, nhiều huyện khác nhau, chứ không phải chỉ ở một xã hay một thôn, ông Long phân tích.
Theo ông Long, bản chất thực tế của các doanh nghiệp ký gửi nông sản là xoay chuyển nguồn vốn. Khi nhập nông sản ký gửi, các doanh nghiệp sẽ tìm cách xuất đi, lấy nguồn vốn để phục vụ cho một hình thức kinh doanh khác, hoặc một mục đích khác của doanh nghiệp. Và đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ vỡ nợ.
“Điều dễ hiểu là khi các doanh nghiệp bán nông sản đã nhận ký gửi ở thời điểm giá thành chưa cao, nhưng khi người nông dân đến cắt giá, giá nông sản đã ở một mức khác. Ví dụ, khi doanh nghiệp nhận ký gửi và bán nông sản, giá ở mức 100.000 đồng/kg, song đến thời điểm giá lên mức 150.000 đồng/kg, người nông dân đến cắt giá, thì doanh nghiệp đã lỗ 50.000 đồng/kg. Nếu chỉ khoảng 10 – 20% số người dân ký gửi đến cắt giá, doanh nghiệp sẽ có đủ tiền để chi trả, nhưng nếu khoảng 50% đến cắt giá, hiển nhiên là doanh nghiệp sẽ không có tiền trả, bởi nguồn tiền đã được doanh nghiệp sử dụng vào mục đích khác, và điệp khúc vỡ nợ sẽ được diễn ra”, ông Long cho biết.
Theo ông Phạm Văn Long, việc thành lập các hợp tác xã đại diện cho người nông dân, uy tín trong việc lưu trữ và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm sẽ là giải pháp cốt lõi giải quyết tình trạng này.
Để người nông dân sơ chế các sản phẩm nông sản trước khi đưa đến kho của hợp tác xã sẽ ngăn chặn được nguy cơ tiêu hao, hư hỏng trong quá trình bảo quản, chờ xuất bán. Bên cạnh đó, người nông dân sẽ tự chủ về mọi mặt nên dù giá nông sản có biến động, họ sẽ hưởng lợi theo giá thị trường, không phải đối mặt với tình trạng mất trắng khi ký gửi vào các doanh nghiệp tư nhân như hiện nay.
Điển hình tại tỉnh Gia Lai, Hợp tác xã cà phê Tân Nông Nguyên (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được xem là mô hình thí điểm thành công cho việc xây dựng một hợp tác xã chuyên về sản xuất nông sản. Được thành lập từ năm 2012, đến nay Hợp tác xã cà phê Tân Nông Nguyên đã có 123 xã viên, với tổng diện tích hơn 400 ha cà phê.
Ông Đoàn Mạnh Tuyên, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cà phê Tân Nông Nguyên cho biết, để hoạt động hiệu quả, đơn vị đã chủ động toàn bộ các khâu, từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Các xã viên sẽ tự quản lý sản phẩm của mình, tự sơ chế, và đưa đến kho của Hợp tác xã là thành phẩm cà phê nhân.
“Các xã viên sẽ góp chung, bán chung, không mua đi bán lại nên sẽ không có độ rủi ro. Hợp tác xã cũng có chuyên gia tư vấn, phân tích thị trường, sản phẩm sẽ được bán theo dạng chào hàng, đấu giá. Khi giá lên cao thì các xã viên sẽ được hưởng lợi nhiều, khi giá xuống thấp thì sẽ được hưởng lợi nhuận ít. Về mặt tài chính, Hợp tác xã cũng luôn công khai, minh bạch, tự chủ, nên không có tình trạng xoay chuyển nguồn vốn như các doanh nghiệp tư nhân”, ông Tuyên phân tích.
Hợp tác xã sẽ là giải pháp cho tình trạng vỡ nợ ký gửi nông sản tại Gia Lai, đặc biệt trong giai đoạn thị trường nông sản đang có những biến động liên tục như hiện nay. Thế nhưng, liệu người nông dân có chấp nhận hoạt động theo hình thức hợp tác xã hay không, và quan trọng hơn nữa là ý thức của đại bộ phận người nông dân cũng cần có những thay đổi.