Cứ mỗi buổi sáng trước khi tôi đi học, mẹ đều dậy từ rất sớm nấu xôi gấc, gói cẩn thận vào trong chiếc lá chuối để tôi ăn lót dạ. Bây giờ, do phải đi học xa, dù vẫn được ăn xôi gà, xôi thịt mỗi ngày nhưng tôi quên thế nào được hương vị đậm đà của món xôi do mẹ nấu.
Để món xôi gấc được ngon thì trước hết gấc và nếp phải được chọn lựa kĩ lưỡng. Mẹ thường hay dạy tôi “gấc ngon là loại chín cây, vỏ ngoài màu đỏ cam, cầm nặng tay và gai phải nở tròn đều”; còn nếp được chọn phải là nếp lức, hạt to, không bị nát. Có như vậy xôi mới ngon và bắt mắt.
Sau khi đã chọn được gấc và nếp vừa ý, mẹ bổ đôi gấc, tách hột, lấy thịt rồi sau đó đem trộn đều với nếp (nếp đã được ngâm từ 3 đến 4 giờ). Tiếp đến, mẹ cho hỗn hợp nếp, gấc vào xửng để hấp. Trong lúc hấp, mỗi lần mẹ mở nắp để xôi không bị “ngộp nước”, khói xông vào mắt tôi cay xè, nhưng miệng thì vẫn thèm thuồng, và thế là tôi cứ giục mẹ mãi: “Mẹ ơi, chín rồi đấy!”. Mẹ nhìn tôi và cười hiền hậu: “Cái thằng này! Từ từ, xôi chín rồi mẹ cho ăn”. Hấp khoảng 40 phút, thấy xôi gần chín, mẹ cho đường cát vào, trộn đều rồi nhấc ra khỏi xửng. Thế là, “vừa ăn vừa thổi”, tôi “chén” liền một mạch nắm xôi to tướng.
Xôi gấc không có nhiều nguyên liệu đắt tiền như xôi đậu, xôi thịt và cũng không cao sang bằng xôi gà nhưng hương vị của nó thì không thua gì xôi gà, xôi thịt. Cái vị béo của gấc khi đã được hòa quyện vào những hạt nếp lức dẻo, thơm có thể sẽ khiến chúng ta ăn một lần rồi nhớ mãi. Chính vì thế, suốt những năm học xa nhà, không lúc nào tôi quên được hương vị xôi gấc của quê nhà. Và dường như mẹ cũng hiểu được điều đó nên cứ mỗi lần tôi được về thăm nhà, mẹ hay chuẩn bị sẵn món khoái khẩu này cho tôi ăn.
“Nhờ ăn xôi gấc mà mắt mình mới sáng và học tốt đến như thế”. Tôi thường hay nghĩ như vậy và thầm cảm ơn mẹ. Mẹ đã không quản khó nhọc mà thức khuya dậy sớm để chuẩn bị “điểm tâm” sáng cho tôi, để tôi vững bụng đến lớp học trong suốt những năm trung học. Tình cảm của mẹ, dù có đi đâu hay làm gì thì suốt cả cuộc đời con sẽ không bao giờ quên. Và cũng nhờ có món xôi gấc của mẹ mà tôi mới cảm nhận được hương vị dẻo thơm, ngon ngọt của quả gấc, hạt nếp quê hương. Đó chính là hương vị gần gũi, thân thuộc của tình quê.