Sáng 22/3, tại Hà Nội, Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hội chủ rừng (VIFORA) đồng tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), nhằm chia sẻ những kết quả của nghiên cứu về bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, tạo cơ hội cho các bên liên quan trao đổi các vấn đề còn tồn tại trong công tác giao rừng, quản lý rừng, bảo vệ rừng, quyền và nghĩa vụ của của rừng.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo Luật Lâm nghiệp thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004.
Dự thảo Luật Lâm nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và tới nay đã có bản dự thảo lần thứ 5. Tuy nhiên, trong các dự thảo này, vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của chủ rừng vào việc xây dựng và thực hiện Luật còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Quách Đại Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong khuôn khổ dự án "Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam", Hội chủ rừng Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp và ActionAid đã thực hiện 15 cuộc khảo sát cộng đồng trong tháng 2 năm 2017 tại 5 địa bàn: Cao Bằng, Đắc Lắk, Lâm Đồng, Trà Vinh và Bạc Liêu.
Kết quả nghiên cứu được chia sẻ trong hội thảo ngày hôm nay, khẳng định sự phù hợp và nhân văn trong các quy định của luật về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng.
Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy trên thực tế, một số quyền và nghĩa vụ của chủ rừng vẫn chưa được thực hiện do những quy định hay những văn bản dưới luật còn gây khó khăn, đặc biệt là cho người dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên. Do vậy, việc góp ý sửa đổi luật và cần thiết.
Ông Đoàn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều. Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản.
Nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp bao gồm, quản lý rừng bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; giữa lợi ích kinh tế với phòng hộ, bảo, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài…
Ông Y Suôm Niê, Buôn trưởng buôn ngô A, huyện Krông bông tỉnh Đắc Lắk chia sẻ, từ xa xưa, rừng không chỉ là sinh kế và còn là không gian văn hóa của người dân tộc các thiểu số. Chúng tôi hy vọng văn bản luật mới sẽ phản ánh được sự gắn kết giữa người dân với rừng.
Đóng góp ý kiến, đại diện Hội chủ rừng cũng cho rằng, đối với chủ rừng là hộ gia định, cá nhân cũng phải xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ hệ sinh thái rừng có phù hợp không? Bởi, quy mô diện tích rừng, đất rừng của mỗi hộ gia đình còn rất nhỏ. Bên cạnh đó, dự thảo chỉ quy định trách nhiệm bảo vệ chất lượng rừng, chưa đề cập đến trách nhiệm phải giữ đủ diện tích rừng, đất rừng được Nhà nước giao hoặc cho thuê.
Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, ngoài diện tích do các chủ rừng quản lý còn có rừng do UBND cấp xã và cơ quan kiểm lâm quản lý.
Do vậy, nếu những diện tích này có đủ điều kiện về tiêu chí, chức năng theo quy định của Nhà nước về hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và UBND cấp xã, cơ quan kiểm lâm khoán cho hộ gia đình, cá nhân, công đồng dân cư bảo vệ diện tích rừng này thì đây là cơ hội để họ có thêm thu nhập, cải thiện sinh kế.
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu mong muốn được tiếp cận cơ sở dữ liệu rừng và thông tin quản lý ngành lâm nghiệp. Hiện nay, hầu hết người dân vẫn chưa được tiếp cận cơ sở dữ liệu này một cách hiệu quả.
“Một trong số những kênh thông tin hữu hiệu để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin về quản trị rừng là Hệ thống chia sẻ dữ liệu ngành lâm nghiệp. Rất mong những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Ban soạn thảo ghi nhận, cân nhắc và đệ trình xem xét đưa vào Bộ Luật chính thức”, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid đưa ra…