Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự sự kiện có 150 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành, tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu và khu vực tư nhân.
Đề dẫn tọa đàm, Phó Giáo sư -Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển. Từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi kinh tế, xã hội toàn diện và sâu sắc. Thông qua công cuộc cải cách Đổi mới, trong 40 năm qua, đất nước đã chuyển mình từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những thay đổi này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá cố định) trung bình hàng năm khoảng 6,5% trong suốt giai đoạn 1986-2023, thuộc hàng cao nhất trong khu vực. GDP bình quân đầu người thực tế tăng gần gấp 45 lần so với năm 1986 (96 USD), đạt khoảng 4.400 USD vào năm 2023. Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giầy, đồ gỗ, điện tử và nông sản. Với những phát triển vượt bậc này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao trước năm 2030.
Cùng với tiến bộ kinh tế, quá trình chuyển đổi cũng giúp hàng triệu người thoát nghèo (tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ trên 60% vào cuối những năm 1980 xuống dưới 6% vào năm 2023), đồng thời mang lại những bước tiến xã hội tích cực.
Tuy nhiên, ông Dương Trung Ý lưu ý, thành công trong quá khứ không phải lúc nào cũng đảm bảo cho thành công trong tương lai. Hành trình phát triển của Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Một tương lai thu nhập cao sẽ đòi hỏi những thay đổi có tính đột phá, hoặc thậm chí mang tính bước ngoặt trong cải cách chính sách và thể chế của Việt Nam trong những năm tới, bao gồm cả những thay đổi để đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách.
Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, để có thể vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam cần có sự thay đổi về quỹ đạo phát triển, tăng trưởng với những cải cách rộng lớn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường hơn nữa năng suất lao động trong các ngành, lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, ưu tiên giáo dục và phát triển kỹ năng để tạo ra một lực lượng lao động thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ cũng như chuyển dịch công nghiệp giá trị thấp sang giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại tọa đàm, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã trình bày những phát hiện chính từ báo cáo mới. Theo đó, để trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tăng thu nhập bình quân đầu người gấp ba lần so với hiện nay. Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đầu người bình quân ở mức 6% trong hai thập kỷ tới. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn: thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao, sự liên kết yếu giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, cùng vấn đề phát thải carbon cao trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.
Thông tin tại tọa đàm đề xuất các giải pháp chuyển đổi hướng tới nền sản xuất chế biến, chế tạo và dịch vụ có giá trị gia tăng cao thông qua việc cải tiến công nghệ, nâng cao kỹ năng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Từ đó, Việt Nam có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, chỉ ra rằng việc quản lý quá trình chuyển đổi này đặc biệt khó khăn trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu đang có những biến đổi sâu sắc, khi các yếu tố kinh tế, địa chính trị và công nghệ đang nhanh chóng định hình lại các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế.
Để giải quyết thách thức này, cần một chiến lược tổng thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các giải pháp chính sách trọng tâm bao gồm: đẩy mạnh hội nhập thương mại chiều sâu; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy các hoạt động sử dụng công nghệ cao và kỹ năng chuyên sâu để tạo giá trị gia tăng lớn, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ; chuyển đổi sang mô hình sản xuất carbon thấp.
Kết luận tọa đàm, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh buổi tọa đàm là cơ hội quý để các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà làm chính sách cùng thảo luận về các định hướng chính sách, cải cách thể chế trong thời gian tới nhằm nâng cấp mô hình tăng trưởng của Việt Nam hướng tới tương lai thu nhập cao.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới, cho rằng đây là một tài liệu được nghiên cứu công phu, khoa học, có giá trị nghiên cứu, tham vấn tốt cho quá trình thảo luận, cũng như cho công tác soạn thảo chính sách, đặc biệt là các văn kiện quan trọng phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu năm 2026.