Bê bối tiền giả chấn động Bồ Đào Nha - Kỳ 1

Xuyên suốt lịch sử, vô số người đã tìm cách trục lợi bằng cách làm giả những mặt hàng quý giá, đặc biệt là tiền. Là một trong những kẻ làm tiền giả khét tiếng nhất thế kỷ 20, Alves dos Reis suýt phá hủy nền kinh tế Bồ Đào Nha thông qua những kẽ hở quản lý tài chính lỏng lẻo ở đất nước mình.

KỲ 1: KẺ LỪA ĐẢO BIẾT CHỚP THỜI CƠ

Không giống những tên tội phạm khác, Alves dos Reis tài tình ở chỗ không tự mình làm giả tiền. Thay vào đó, mạng lưới của hắn đã lừa gạt một công ty sản xuất tiền giấy của Anh, khiến họ tin là đang làm việc với chính phủ Bồ Đào Nha, để in tiền cho Reis. 

Reis sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản vào thời kỳ hỗn loạn của chế độ quân chủ Bồ Đào Nha. Năm 18 tuổi, Reis bỏ dở việc học kỹ sư để kết hôn với một thiếu nữ có địa vị cao. Sau khi cha phá sản, Reis bị gia đình vợ xua đuổi vì vị thế xã hội quá khác biệt. Quá đau khổ, năm 1916, người đàn ông này rời Lisbon đến Angola - thuộc địa của Bồ Đào Nha - với hy vọng tìm được vận may ở đó.

Chú thích ảnh
Chân dung kẻ lừa đảo Alves dos Reis. Ảnh: A.P

Thật bất ngờ, tại vùng đất châu Phi này, sự nghiệp của hắn thăng tiến thật nhanh chóng: từ một nhân viên trong ngành xây dựng và sửa chữa hệ thống cống rãnh trở thành giám đốc công ty đường sắt Angola. Kỳ tích này đã xảy ra thế nào? Alves dos Reis chỉ đơn giản làm giả mạo bằng tốt nghiệp của một khoa không có thực tại Đại học Oxford, với chuyên ngành khoa học kỹ thuật, địa chất. Bên cạnh đó, hắn còn là người biết chớp thời cơ.

Năm 1922, công ty đường sắt Ambaca ở Angola, gặp khủng hoảng tài chính. Cổ phiếu của công ty đã giảm xuống còn vài escudo. Do đó, Reis nhanh chóng làm giả nhiều tấm séc giá trị lớn từ tài khoản ngân hàng ở New York (Mỹ) hòng mua lại Ambaca.

Với số séc trong tay, Reis đã trở thành cổ đông lớn của công ty đường sắt nơi hắn từng làm thuê. Trong thời gian séc được vận chuyển bằng đường biển (chuyến hành trình kéo dài hàng tuần), hắn đã chuyển tiền từ kho bạc của công ty vào tài khoản ngân hàng của mình. Do vậy, số séc đã được thanh toán mặc dù lúc đầu hắn không có đủ thanh khoản. Hắn có ý dịnh sử dụng số tiền còn lại nhằm tiếp quản công ty khai thác mỏ Angola và bán lại cổ phiếu với giá cao hơn trước khi số séc gửi từ New York đến đích. 

Chưa kịp thực hiện phi vụ lừa đảo tiếp theo thì Reis đã bị bắt giữ vào đầu tháng 7/1924 vì tội biển thủ tiền của Ambaca. Ở tuổi 28, những gì xảy ra tại Angola đã biến hắn thành một tên tội phạm thực sự. Hắn được hồi hương về Bồ Đào Nha để xét xử.

Quãng thời gian ngồi tù ở Porto đã thôi thúc Reis tìm kiếm kế hoạch hành động mới. Tại thời điểm đó, Đức đang trải qua một đợt lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử: xã hội tràn ngập tiền giấy do ngân hàng ủy quyền in ra; người dân cầm cả tỷ đồng mark ra đường mà không mua nổi thứ gì. Tình trạng trên đã khiến Reis để ý đến hoạt động của tổ chức phát hành tiền giấy của Bồ Đào Nha là Ngân hàng Bồ Đào Nha.

Và cuối cùng, Reis đã tìm ra điểm mấu chốt để tiến hành phi vụ thế kỷ. Hắn đã dẫn dắt tòa án tin rằng mình cũng là nạn nhân của một âm mưu lừa đảo ở Angola và được thả tự do nhanh chóng. 

Nhờ con mắt quan sát, Reis lần ra lỗ hổng trong Ngân hàng Bồ Đào Nha. Ngân hàng này đã được tư nhân hóa một phần và vô cùng lỏng lẻo trong việc kiểm soát tiền giấy escudo. Reis biết được rằng kể từ năm 1891, Bồ Đào Nha đã bỏ chế độ bản vị vàng, cho phép ngân hàng phát hành trái phiếu vượt xa vốn cổ phần của mình. Hắn cũng nắm được rằng Ngân hàng Bồ Đào Nha đôi khi đã bí mật in tiền, không ghi lại các giao dịch vào sổ sách cũng như không thông báo cho chính phủ về việc tăng số lượng tiền giấy lưu hành.

Chú thích ảnh
Một trong những tờ 500 escudo do nhóm của Alves dos Reis phát hành. Ảnh: A.P

Hơn nữa, Reis phát hiện rằng ngân hàng này không có cơ chế để ngăn chặn vấn đề trùng lặp seri tiền giấy. Hắn tính toán có thể bơm 300 triệu escudo (tương đương 1 triệu bảng Anh theo tỷ giá hối đoái năm 1925) vào nền kinh tế Bồ Đào Nha mà không làm gián đoạn cơ chế ngân hàng trung ương của nhà nước.

Những kẽ hở trên đã trao thời cơ ngàn vàng cho Reis, người luôn nuôi tham vọng lớn. Reis được thả tự do vào tháng 8/1924 sau 54 ngày bị giam giữ. Tên này nhanh chóng triển khai kế hoạch là tạo một bản hợp đồng giả mạo để phát hành tiền giả nhưng có chất lượng như thật.

Ban đầu, hắn chia sẻ kế hoạch với một kẻ lừa đảo khác là Jose Bandeira, người có anh trai tên Antonio Bandeira đang là Đại sứ Bồ Đào Nha tại La Haye, Hà Lan. Qua đầu mối của Jose, Reis tiếp cận với hai thành viên nữa: Karel Marang, một thương nhân người Hà Lan và Adolph Hennies, một thương nhân người Đức. Cả Marang và Hennies đều có quá khứ phức tạp và không ngại tham gia vào một kế hoạch mờ ám, chẳng hạn như thứ Reis đang theo đuổi. Những nhân vật này sẽ là các bánh răng về tài chính và ngoại giao cho phi vụ lừa đảo tài tình gây rối loạn Bồ Đào Nha sắp tới. 

Bằng thủ đoạn gian trá và làm giả tài liệu, nhóm của Alves dos Reis đã thu được một thông tin quan trọng: tờ 500 escudo được in tại nhà in Waterlow and Sons ở Anh.

Đón đọc kỳ cuối: Phi vụ thế kỷ

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Amusing Planet)
Chủ tịch Citibank - Người đưa đồng đô la Mỹ thống lĩnh toàn cầu
Chủ tịch Citibank - Người đưa đồng đô la Mỹ thống lĩnh toàn cầu

Walter Wriston (1919 – 2005) từng là một trong những người Mỹ quyền lực nhất hành tinh. Là chủ tịch của tập đoàn tài chính lớn Citibank và tập đoàn mẹ Citicorp, ông là một người có tầm nhìn và đã góp phần đưa đồng đô la Mỹ ra toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN