Theo tờ Pravda (Ukraine) ngày 12/12, bất chấp lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm, Nga vẫn tiếp tục mua hàng nghìn khẩu súng trường và hàng triệu viên đạn từ các công ty từ EU và Mỹ.
Một số nhà sản xuất vũ khí và quan chức châu Âu thậm chí đã "đầu tư ngân sách tiếp thị vào việc mở rộng phân phối trên thị trường Nga". Cuộc điều tra chung của các trang tin như The Insider, Investigace.cz, IrpiMedia và Vlast.kz đã chỉ ra rằng trong ba năm qua, các công ty từ EU, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng xuất khẩu vũ khí sang các nước Trung Á như Armenia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan. Qua những quốc gia này, vũ khí có thể được tái xuất khẩu sang Nga, qua đó lách được các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Sự tăng trưởng nguồn cung cho các nước láng giềng của Nga từ EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là rất đáng chú ý. Theo dữ liệu của UN Comtrade được phân tích bởi The Insider, các quốc gia này nhận được hàng chục nghìn đơn vị vũ khí mỗi năm.
Cụ thể, xuất khẩu súng trường và súng ngắn từ Italy sang Armenia đã tăng gần 30 lần trong bốn năm qua. Kyrgyzstan không mua vũ khí từ Italy vào năm 2020 và 2021 nhưng đã nhận được 882 khẩu súng trường vào năm 2022 và hơn 4.400 khẩu vào năm 2023. Xuất khẩu vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Gruzia cũng tăng từ khoảng 8.400 khẩu vào năm 2019 lên trên 18.800 khẩu vào năm 2023.
Lỗ hổng trong lệnh cấm vận
Khi EU áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Nga sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, hai lỗ hổng lớn vẫn tồn tại trong các hạn chế. Đầu tiên, Nghị quyết số 833/2014 cấm xuất khẩu vũ khí sang Nga nhưng cho phép giao hàng mới theo hợp đồng ký kết trước ngày 1/8/2014.
Thứ hai, tài liệu không quy định biện pháp kiểm soát nào đối với hàng xuất khẩu sang các quốc gia thuộc Liên minh Hải quan Nga như Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan - những quốc gia có quan hệ thương mại với Nga thông qua khu vực hải quan chung trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Ví dụ điển hình là giấy phép nhập khẩu súng trường Proof Research của Mỹ vào Nga không chỉ được cấp ở Nga mà còn ở Kyrgyzstan. Các tài liệu cần thiết để nhập khẩu - giấy chứng nhận - được cấp ở một quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đều có giá trị ở tất cả các quốc gia thuộc Liên minh Hải quan.
Nhà phân phối vũ khí Edelweiss của Kyrgyzstan đã nhận được chứng chỉ cho việc nhập khẩu súng trường Proof Research. Theo báo cáo thuế, số thuế công ty Edelweiss phải nộp đã tăng từ 20,03 triệu soms (230.000 USD) vào năm 2020 lên 37,91 triệu soms (4.000 USD) vào năm 2023. Tổng cộng, giá trị nộp thuế của các nhà nhập khẩu vũ khí ở Kyrgyzstan năm 2023 đã tăng hơn 5% so với năm 2021.
Cuộc điều tra cũng tiết lộ mối liên hệ giữa công ty cổ phần Beretta của Luxembourg và các công ty Nga. Mặc dù bị cáo buộc vi phạm trực tiếp cả lệnh trừng phạt của Mỹ và nghị quyết của Hội đồng châu Âu từ năm 2014, Beretta vẫn là nhà nhập khẩu chính vũ khí cho Nga.
Sự hợp tác của Beretta không dừng lại sau khi lệnh cấm vận EU được đưa ra hoặc sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Năm 2024, Beretta đã liên doanh với công ty Russian Eagle và nhận được hơn một nghìn khẩu súng cùng một triệu viên đạn do các công ty châu Âu sản xuất.
Một nhà cung cấp khác là cửa hàng súng ABF của Mỹ ở Colorado cũng hợp tác với công ty Varyag của Nga. Varyag tiếp tục nhận được vũ khí của Mỹ và châu Âu ngay cả sau khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022.
Tình hình hiện tại cho thấy rằng mặc dù có nhiều biện pháp trừng phạt từ phương Tây nhằm vào Nga, nhưng việc mua bán vũ khí vẫn diễn ra mạnh mẽ thông qua nhiều kênh khác nhau. Điều này không chỉ phản ánh sự kiên cường của Nga trong việc duy trì nguồn cung chiến lược mà còn cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát xuất khẩu của phương Tây.