Cá kho Đại Hoàng, bánh chưng làng Đầm rộn ràng trước Tết

Tết đã đến gần, sắc xuân đã ngập tràn khắp nơi. Đến thăm các làng nghề truyền thống ở Hà Nam như bánh chưng làng Đầm, cá kho Đại Hoàng hay làng hoa Phù Vân... chúng tôi cảm nhận rõ không khí náo nức đón chào năm mới của người dân làng nghề.

Đến làng cá kho Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân), vừa tới đầu làng đã nghe trong gió mùi thơm của giềng, của gừng, của mắm, đâu đó có cả chút vị chua chua của chanh lẫn trong làn khói đang tỏa ra từ những ngôi nhà ven đường. Dịp cuối năm, hầu như các cơ sở kho cá ở làng Đại Hoàng đều đỏ lửa cả ngày lẫn đêm.

Những nồi cá kho đặc trưng của làng Đại Hoàng.


Ngày trước, người dân làng Đại Hoàng kho cá để ăn, để gửi cho con cháu đi học ở khắp nơi. Thế rồi cái vị đậm đà, ngon ngọt cứ được người này truyền tai người kia. Người ta tìm đến làng không chỉ để ăn mà còn mua về những niêu cá do chính người dân ở đây kỳ công chế biến.

Cá kho Đại Hoàng không chỉ có tiếng ở trong nước, mà còn được gửi ra nước ngoài theo đơn đặt hàng, có khi cước vận chuyển còn hơn cả tiền cá. Giá từ 500.000 đồng đến trên 1 triệu đồng, thậm chí là trên 2 triệu đồng cho một nồi cá kho tưởng là đắt, nhưng có nghe chuyện những người dân nơi đây kể mới biết, phải rất kỳ công mới có một nồi cá kho ngon nức tiếng như thế.

Ở mảnh sân phía sau nhà, anh Trần Văn Hoàn, chủ cơ sở kho cá Ngọc Hoàn, xóm 13, làng Đại Hoàng, đang lúi húi chuẩn bị nguyên liệu cho mẻ cá kho mới.

Cẩn thận xếp một lớp giềng thái mỏng xuống đáy nồi, anh Hoàn cho biết: “Kho được một niêu cá phải chú ý đến từng chi tiết. Giềng không được thái quá dày nhưng cũng không quá mỏng để làm sao cá dừ cả bên trên, phía dưới lại không bị cháy. Cá xếp vào nồi phải theo nguyên tắc khúc có xương to ở dưới, phần mình cá nạc xương nhỏ ở trên”.

Xếp cá xong, anh Hoàn phủ một lớp giềng, gừng giã nhỏ lên trên, rồi nêm mắm, muối, đổ nước hàng thắng từ đường trắng vào, thêm một chút nước cốt chanh để cá không bị tanh, miếng cá chắc, không bị bở.

Chỉ vào một dãy với dăm chục cái niêu đất to, nhỏ đang sôi lục bục, anh Hoàn nheo mắt lại vì khói và bảo: “Từ lúc bắc bếp đến lúc kho xong phải mất đến mười mấy tiếng đồng hồ. Lúc nào cũng phải cắt cử người trông củi lửa, bận việc gì cũng không được bỏ vị trí”.

Người có kinh nghiệm kho cá nhiều năm trong làng chỉ cần ngửi mùi cũng biết cá mặn hay nhạt, nghe tiếng sôi cũng biết nước trong niêu còn nhiều hay ít. Độ mặn, ngọt cũng phải điều chỉnh tùy theo khách đặt. Khách miền Trung thì thêm cay, khách miền Nam thì thêm ngọt. Khách ở Hà Nội và Nam Định không được quá mặn.

Cả làng Đại Hoàng có chừng chục cơ sở làm nghề kho cá, nổi lửa suốt ngày đêm. Họ kho cá quanh năm, nhưng rộ nhất là vào dịp Tết, khoảng từ mùng 10 tháng Chạp đến hết tháng Giêng.

Dịp này, đơn đặt hàng nhiều hơn, nhiều chủ cơ sở phải thuê thêm thợ kho cá có tay nghề trong làng hoặc khu vực lân cận trong xã. Một chủ cơ sở kho cá nhẩm tính, trong một năm, vào những ngày thường, cơ sở kho được trên dưới 300 niêu cá, cộng với dịp Tết là khoảng 700 - 800 niêu, sau khi trừ chi phí, chủ cơ sở cũng bỏ ra được khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ ở làng cá kho Đại Hoàng, những ngày này tại làng Đầm, phường Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, cũng rất tấp nập. Về thăm làng Đầm ngày cuối năm mới cảm nhận hết được sự bận rộn, không khí chuẩn bị Tết sớm và náo nức.

Trong nhà, các chủ lò bánh chưng có đến cả tấn gạo, tạ đỗ, lá dong xếp đầy ngoài sân. Trong gia đình, mỗi người một việc, đàn ông gói bánh, đàn bà ngâm gạo, thổi đỗ, rang thịt, con trẻ rửa lá, xếp bánh...

Dân làng Đầm làm nghề quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào những ngày rằm, mùng một và dịp Tết. Đặc biệt, bánh chưng ở đây không gói bằng khuôn mà chỉ gói tay, mối lạt, cữ bánh đều tăm tắp.

Vừa thoăn thoắt gói bánh, ông Hoàng Văn Hiến vừa vui vẻ cho biết: “Tết nước mình ở đâu chẳng có bánh chưng nhưng hương vị, mỗi nơi lại có đặc trưng riêng. Bánh chưng làng Đầm chỉ dùng gạo nếp Hải Hậu, đỗ xanh phải chọn loại ngon, hạt tiêu cũng tự rang và xay. Bánh được luộc bằng nước mưa nên có thể để cả chục ngày mà không hề hỏng”.

Theo người dân ở đây, thời gian cao điểm, các lò bánh đỏ lửa từ rằm tháng Chạp đến tận 30 Tết. Dịp này, mỗi hộ luộc 7 - 8 nồi bánh, mỗi nồi 7 - 8 chục cái, thậm chí cả trăm. Hàng nghìn chiếc bánh chưng làng Đầm được bán ra thị trường mỗi ngày, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng.

Vào thời điểm làm bánh Tết, số lượng đơn hàng nhiều gấp 10 lần ngày thường, nhiều gia đình phải thuê thêm từ 5 - 7 lao động để “chạy” đủ lượng hàng đặt. Ngày thường bánh chưng ở đây có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/chiếc, ngày Tết cũng chỉ khoảng 30.000 - 35.000 đồng/chiếc. Tính ra thu nhập của mỗi gia đình mùa bánh Tết cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ ở làng Đầm hay làng Đại Hoàng, tại hơn 100 làng nghề trong tỉnh Hà Nam, giáp Tết chính là thời điểm sản xuất sôi động nhất. Bằng sự linh hoạt, năng động, thích ứng với thị trường, hầu hết các làng nghề duy trì mức tăng trưởng khá, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng vạn lao động địa phương.

Điều này không chỉ tạo ra những sản phẩm đậm chất quê hương mà còn mang lại thu nhập cho những người dân làng nghề ở vùng đồng chiêm trũng.


Bài, ảnh: Nguyễn Cúc (TTXVN)

Thương lắm, Tết những người xa xứ
Thương lắm, Tết những người xa xứ

Thế là mười năm rồi em làm dâu xứ người, tha phương nơi đất lạ. Cứ mỗi năm Tết đến, Xuân về em lại hướng về Tổ quốc mà nghẹn ngào nhớ mong. Thèm lắm mùi Tết quê hương. Xứ Kim Chi giàu có đủ đầy cũng không khỏa lấp nỗi nhớ quê ngày Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN