Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 9 vụ sạt lở tại các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền với tổng chiều dài 133 m. Trong đó, quận Ô Môn là địa phương xảy ra sạt lở nhiều nhất với 3 vụ.
Hiện toàn quận Ô Môn có hơn 30 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 3.000 m; trong đó có 11 điểm sạt lở nghiêm trọng.
Đoạn sạt lở dài 30m, ăn sâu vào bờ 5m tại khu vực Thới Phong, phường Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ). |
Để khắc phục các điểm sạt lở này, theo đề xuất của Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, trước mắt sẽ được gia cố tạm thời bằng cừ tràm, cừ dừa ngay trong năm 2017 và tiến hành khảo sát để có phương án khắc phục lâu dài.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Cần Thơ cho biết, vào giai đoạn chuyển mùa tình hình sạt lở trên địa bàn thành phố thường diễn ra phổ biến trên diện rộng. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố đã yêu cầu Ban chỉ huy các quận, huyện thành lập các đoàn đi khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở để có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Về phương án phòng chống sạt lở, ngành chức năng thành phố Cần Thơ vận dụng nhiều giải pháp; trong đó thiên về giải pháp phi công trình. Đây là giải pháp không tốn kém nhiều kinh phí nhưng hiệu quả mang lại rất lớn.
Theo ông Ninh, nguyên nhân gây ra sạt lở là hệ quả của sự tương tác giữa các yếu tố có nguồn gốc tự nhiên và con người. Tùy theo vị trí, đặc thù của từng khu vực mà nguyên nhân gây sạt lở có khác nhau.
Những năm gần đây, sạt lở là quy luật tự nhiên của lòng dẫn hoặc do người dân lấn chiếm lòng sông, kênh rạch bị co hẹp lại, gia tải lên bờ sông ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, việc khai thác cát không theo quy hoạch cùng với tác động của biến đổi khí hậu và yếu tố mùa như cuối mùa khô đầu mùa mưa, cuối mùa lũ…là các nguyên nhân khiến sạt lở ngày càng nhiều. Thời gian sạt lở diễn ra nhiều nhất vào các tháng 4, 5, 6 hàng năm.
Do vậy, theo ông Nguyễn Quý Ninh, ở những nơi có dấu hiệu sạt lở cao thì ngành chức năng kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống tại đó để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Thời gian tới, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố sẽ tham mưu để không cho phát sinh thêm các căn nhà xây dựng lấn chiếm trái phép trên sông kết hợp tiến hành di dời các hộ ở nơi mất an toàn đến các khu dân cư đã được quy hoạch.
Đơn cử về vụ sạt lở gần nhất xảy ra vào lúc 3 giờ sáng ngày 28/5 tại hộ bà Bành Thị Ánh Hồng ở khu vực Thới Phong, phường Thới An, quận Ô Môn. Khu vực bị sạt lở là nơi bà Hồng mở cây xăng để kinh doanh, nằm cặp bờ sông Ô Môn.
Trước đó một ngày, bà Hồng phát hiện nhiều vết nứt trên tường nhà nên đã di dời một phần tài sản lên bờ. Đến khuya hôm sau thì vụ sạt lở xảy ra làm toàn bộ căn nhà cùng các thiết bị kinh doanh xăng dầu của gia đình bà Hồng bị nhấn chìm xuống sông. Ước tính thiệt hại tài sản khoảng 200 triệu đồng.
Hiện khu vực này bị sạt lở một đoạn dài khoảng 30 m, ăn sâu vào bờ 5 m, ngay vị trí sạt lở có độ sâu khoảng 10 – 15 m.
Có căn nhà nằm kế bên khu vực cây xăng bị sạt lở, ông Võ Hồng Đức ở khu vực Thới Phong (phường Thới An, quận Ô Môn) lo lắng cho biết, sau khi sạt lở diễn ra, căn nhà của ông đã bị lún xuống và hiện gia đình không dám ngủ vào ban đêm vì có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.
Cách điểm sạt lở nhà bà Hồng không xa, bên bờ phải sông Ô Môn tại khu vực Thới Trinh A, phường Thới An cũng xảy ra một vụ sạt lở vào ngày 19/5. Điểm sạt lở nằm trước hộ ông Cao Văn Lăng, dài khoảng 40 m, ăn sâu vào bờ 4 m.
Ông Cao Văn Lăng cho biết, đây là lần thứ ba khu vực này bị sạt lở. Lần trước cách đây khoảng một năm. Khi đó, ông đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đóng cừ gia cố nhưng vụ sạt lở mới đây đã nhấn chìm toàn bộ xuống sông. Hiện sạt lở đã đến sát mép tường rào nhà ông Lăng và có thể tiếp tục sụp đổ bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp gia cố kịp thời.
Theo ông Tống Huy Hoàng, Trưởng phòng kinh tế quận Ô Môn, UBND quận đã bố trí kinh phí 3 tỷ đồng để khắc phục tạm thời 10 điểm sạt lở, giúp người dân có đường đi lại. Uớc tính để khắc phục toàn bộ các điểm sạt lở trên địa bàn quận Ô Môn cần kinh phí khoảng 800 tỷ đồng để triển khai làm kè dọc các tuyến sông.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí này nằm ngoài khả năng của quận nên UBND quận Ô Môn kiến nghị UBND thành phố Cần Thơ bổ sung kinh phí làm bờ kè hai bên bờ sông Ô Môn ở những khu vực hiện đang gia cố tạm để giảm nguy cơ sạt lở.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, vấn đề sạt lở trên diện rộng đang diễn ra trên khắp đồng bằng. Có những nguyên nhân tại chỗ và có những nguyên nhân trên toàn hệ thống lưu vực sông.
Nguyên nhân tại chỗ có thể dễ dàng nhìn thấy là do nhà cửa xây dựng sát bờ sông, tàu thuyền gây sóng, thay đổi dòng chảy, hố sâu dịch chuyển vị trí ăn vào bờ. Đây chính là biểu hiện của sự mất cân bằng trên hệ thống gây ra do thiếu hụt phù sa mịn và bùn cát do các đập thủy điện của các nước trên thượng nguồn sông Mekong đã chặn phù sa và do khai thác cát trong lòng song tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Để ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ sạt lở, ông Thiện cho rằng trước mắt cần khảo sát, lập bản đồ những khu vực rủi ro cao để cảnh báo để ngăn chặn việc xây dựng nhà cửa công trình và chủ động di dời người dân và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm. Về lâu dài, cần quản lý chặt chẽ khai thác cát, kể cả khai thác trái phép và khai thác có phép.